Việc chạy ngược chiều làm cho tình trạng ùn tắc giao thông phức tạp hơn
|
Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ở nước ta lâu nay đã trở nên phổ biến. Đặc biệt là ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong khi quỹ đất dành cho giao thông đô thị có hạn thì dân số tập trung về hai thành phố này ngày một tăng, do đó, nạn kẹt xe hay ùn tắc giao thông là điều tất nhiên. Thế nhưng, điều này có thể tránh được thông qua cách thể hiện nét văn hóa ở mỗi người khi tham gia giao thông.
Có trách nhiệm với mình và mọi người
Xây dựng văn hóa giao thông là nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật và nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT ở mỗi người. Việc làm này giúp cho mỗi cá nhân có trách nhiệm với bản thân và với mọi người xung quanh khi tham gia giao thông. Muốn hình thành được nét văn hóa như vậy thì cần phải tuyên truyền, giáo dục ngay từ gia đình, khu dân cư, trường học và ngay từ khi còn bé thơ. Những việc làm nêu trên phải đồng hành với sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội và cả các doanh nghiệp giao thông vận tải hành khách. Bên cạnh đó cũng cần phải tham khảo kinh nghiệm quản lý giao thông từ các nước phát triển, để từ đó giúp cho trật tự ATGT ngày một tốt hơn.
Theo các số liệu thống kê từ cơ quan chức năng thì hiện nay ở Việt Nam, TNGT đang là vấn đề làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài ra, nó còn là gánh nặng của mỗi gia đình và cả cộng đồng. Bởi vì với con số hơn 80% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật đã phản ánh trách nhiệm cũng như ý thức của người tham gia giao thông còn rất thấp, chưa theo kịp sự phát triển tất yếu của xã hội. Những hành vi vi phạm pháp luật như: không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; uống rượu, bia khi tham gia giao thông; đua xe trái phép; chở ba, bốn, chở hàng cồng kềnh; lạng lách đánh võng; vượt đèn đỏ; gây tai nạn không dừng lại để cứu giúp người bị nạn; chống người thi hành công vụ… vẫn xuất hiện hàng ngày trên đường phố.
Mọi người cùng hành động
Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hàng năm Việt Nam có khoảng 30.000 người chết và bị thương. Một con số thật khủng khiếp mà nguyên nhân chủ yếu là do con người. Cho nên, việc tôn trọng Luật Giao thông, ứng xử về văn hóa giao thông là điều kiện cần thiết để thích ứng với xã hội hiện đại và văn minh. Văn hóa giao thông là cách ứng xử có văn hóa của mọi người khi tham gia giao thông. Đó chính là sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết nhường nhịn và giúp đỡ người khác, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm… Theo điều tra mới đây của Ủy ban ATGT Quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 đến 35; gần 80% sinh viên khi đi xe máy không có giấy phép lái xe; 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe gắn máy phân khối lớn đến trường. Trong một điều tra xã hội học với khoảng 100 sinh viên được hỏi, có tới 60 người cho biết sở dĩ họ vi phạm Luật Giao thông là vì không hiểu biết. Hiện ở nước ta có khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên. Đây chính là đối tượng quan trọng mà gia đình, nhà trường, xã hội cần phối hợp giáo dục, tuyên truyền về văn hóa giao thông.
Xây dựng một xã hội có văn hóa giao thông là việc không thể làm ngay trong một sớm một chiều. Muốn hoàn thành kế hoạch đề ra, Nhà nước cần có một chiến lược lâu dài; giáo dục, tuyên truyền sâu rộng đến các trường, các tổ chức Đoàn thanh niên, công đoàn, cộng đồng dân cư. Các phương tiện thông tin đại chúng có thể góp phần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Luật Giao thông bằng cách nêu những tấm gương điển hình. Bên cạnh đó, các lực lượng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng phải kiên quyết xử lý nghiêm những vụ vi phạm của người tham gia giao thông để nâng cao ý thức của người đi đường.
Bài, ảnh: Anh Kiệt
Trong năm 2010, ngành GTVT có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và đã đạt những kết quả khả quan. Trong đó, có việc tổ chức điều chỉnh lại giao thông tại 26 giao lộ, cải tạo kích thước hình học ở 32 giao lộ; lắp đặt bổ sung 258 đèn tín hiệu đếm lùi tại các giao lộ; triển khai thực hiện việc tách làn phương tiện xe hai bánh chạy riêng với các loại ô tô; triển khai việc trộn dòng giữa các làn xe trên một số trục đường chính nhằm tăng cường trật tự ATGT, giảm ùn tắc…
|
Bình luận (0)