Trái với dự đoán về một cái tết đìu hiu, cả ngành hàng không và du lịch bất ngờ tăng tốc vào những ngày cận tết, khi nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế đều kín chỗ, phải tăng tần suất bay.
Vé từ TP.HCM đi các tỉnh đắt hàng
“Chuyện gì xảy ra với chặng TP.HCM – Hà Nội dịp này thế, vé còn cao hơn vé tết, thậm chí full (đầy) chỗ”, một đại lý bán vé máy bay đã phải thốt lên khi nhiều khách hàng liên tục book vé từ TP.HCM ra Hà Nội dịp trước tết.
Theo khảo sát trên trang web bán vé của Vietnam Airlines, khác với cách đây 2 tuần khi vé máy bay siêu rẻ và đặt lúc nào cũng có, hiện tại từ TP.HCM ra Hà Nội ngày 15.1 trở đi, nhiều giờ bay còn hết vé chặng phổ thông, chỉ còn hạng thương gia. Ngay cả chặng phổ thông giá vé cũng ở mức cao, từ 3 – 3,58 triệu đồng/chiều.
Nhu cầu bay nội địa cận tết bất ngờ tăng tốc (ảnh sân bay Phú Quốc). NGỌC THẮNG
Cục Hàng không VN cho biết tính từ 29.12.2021 – 10.1.2022, các hãng hàng không trong nước đã khai thác 4.480 chuyến bay với 547.000 khách, hệ số sử dụng ghế trung bình 64%.
Đáng chú ý, nhu cầu hành khách bay từ TP.HCM đi Hà Nội hoặc các tỉnh Tây nguyên, miền Trung và miền Bắc tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đạt trên 70%. Các hãng cũng đã khai thác hết số lượng chuyến bay được phân bổ, như đường bay TP.HCM –
Hà Nội tổng tần suất 25 chuyến khứ hồi/ngày, hệ số ghế 73%; đường bay từ TP.HCM đi/đến Đắk Lắk tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số ghế đạt 85%; các đường bay từ TP.HCM đi/đến Lâm Đồng, Hải Phòng, Huế, Gia Lai, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An khai thác với tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số ghế đạt trên 70%, trong khi tháng 12.2021 chỉ đạt khoảng 50 – 60%.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, nhu cầu đi lại của người dân trên các đường bay từ TP.HCM đi/đến các tỉnh Tây nguyên, miền Trung, miền Bắc có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Theo báo cáo từ hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không, tỷ lệ khách đặt giữ chỗ trên các đường bay này cũng tăng cao. Tỷ lệ hành khách đặt giữ chỗ đều trên 50%, có những thời điểm lên đến trên 90%. Dù vậy, các đường bay trục và chiều từ Hà Nội đi các địa phương khác tỷ lệ đặt giữ chỗ còn thấp.
Để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của người dân với các đường bay từ TP.HCM đi/đến các địa phương, Cục Hàng không đã đề xuất Bộ GTVT cho phép tăng tải cung ứng trên nhiều chặng bay giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán.
Nhu cầu bay nội địa cận tết bất ngờ tăng tốc. NGỌC THẮNG
Tăng tần suất bay quốc tế
Sau khi mở lại bay quốc tế thường lệ, thị trường hàng không cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong tuần đầu tiên (từ ngày 1 – 7.1) đã có 16 chuyến bay thương mại thường lệ từ Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Đài Bắc (Trung Quốc) với khoảng 1.000 khách về nước.
Cục Hàng không cho biết có khoảng 140.000 người VN có nhu cầu về nước đón tết. Dự báo lượng khách về nước sẽ vượt 30.000 hành khách/tuần, bao gồm cả công dân VN, Việt kiều và người nước ngoài là khách ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư… Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không đang thúc đẩy đàm phán với nhà chức trách hàng không các nước về việc nối lại bay quốc tế thường lệ cũng như tăng tần suất các đường bay hiện tại dịp Tết Nguyên đán.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc mở rộng các điểm đến bay quốc tế cũng như tăng tần suất là cần thiết, phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách, tạo điều kiện để hỗ trợ tất cả các hãng hàng không VN có cơ hội tham gia khai thác thị trường thường lệ quốc tế, khắc phục khó khăn để đứng vững và phát triển. |
Trước đó, cục này đã có văn bản gửi nhà chức trách hàng không Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Bắc (Trung Quốc) thông báo về việc tăng tần suất khai thác các chuyến bay thương mại chở khách thường lệ giữa hai bên lên thành 14 chuyến/tuần/chiều cho toàn bộ các hãng hàng không mỗi bên.
Trong thông báo kế hoạch khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ chiều qua 14.1 gửi các hãng hàng không, Cục Hàng không cho biết đường bay Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc, Singapore đã tăng lên 14 chuyến/tuần mỗi bên, chia cho 4 hãng khai thác là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines. Các đường bay Úc, Thái Lan, Campuchia, Lào sẽ khai thác 10 chuyến/tuần; riêng đường bay Trung Quốc và Mỹ sẽ khai thác 4 chuyến/tuần.
Với các đường bay từ Pháp, Đức, Anh và Nga, sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ GTVT, Cục Hàng không sẽ thông báo kế hoạch tổ chức các chuyến bay với thị trường này. Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết trong các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội tại các nước mới đây, kiều bào đều phản ánh mong muốn được về nước ăn tết. Theo đánh giá, nhu cầu về VN từ khu vực châu Âu sẽ qua các cửa ngõ là Pháp (Paris), Đức (Frankfurt), Anh (London) và Nga (Moscow). Để đáp ứng nhu cầu cao từ thị trường châu Âu và Úc, cần mở rộng phạm vi, tần suất hoạt động các chuyến bay quốc tế thường lệ bao gồm thị trường châu Âu và Úc. Cụ thể, ngành hàng không sẽ làm việc với phía đối tác các nước nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với tần suất ban đầu là 10 chuyến/tuần/chiều mỗi bên.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA), cho rằng khi mở bay thương mại quốc tế, cần chấm dứt bay combo hay còn gọi là các chuyến bay giải cứu. Hiện các chuyến bay combo hành khách phải trả chi phí quá cao, dễ phát sinh cơ chế “xin – cho”, tiêu cực. Ngành hàng không và du lịch nước ta đang bị mất cơ hội cạnh tranh so với hàng không, du lịch thế giới, ngay cả với hàng không Campuchia, do chậm khôi phục trở lại bay quốc tế thường lệ. Đặc biệt, những rào cản kỹ thuật từ phía một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có yêu cầu cách ly khiến hành khách vẫn ngần ngại…
Phó chủ tịch VABA cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương bãi bỏ ngay các quy định, các hãng rào kỹ thuật trái với Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép đón khách quốc tế theo thông lệ chung của các nước với hành khách đã tiêm 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính sẽ không cần cách ly; không thu phí thị thực đối với khách từ các thị trường mà trước dịch Covid-19 đã ký kết về việc miễn thị thực cho khách nhập cảnh VN.
Giá tour nội địa không giảm
Giá vé máy bay giảm nhẹ so với mọi năm không đủ sức để kéo giá tour nội địa giảm. Theo khảo sát, ngoài những tour chặng ngắn trong ngày bằng đường bộ từ TP.HCM tới các tỉnh lân cận miền Tây có giá quanh mức 1 triệu đồng/khách, các tuyến đi xa bằng đường không giá tour tương đương mùa tết năm ngoái. Đơn cử, tour du xuân Quảng Ninh (4 ngày) của TST Tourist giá bao gồm cả vé máy bay là hơn 16,6 triệu đồng/khách; tour Hà Nội – Đại Lải – Ba Vì (4 ngày) khởi hành mùng 2 tết giá hơn 17,3 triệu đồng/khách…
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông – marketing và công nghệ thông tin thuộc Công ty TST Tourist, thông tin vé máy bay năm nay dịp tết giảm mạnh, song chỉ vài chặng và một vài thời điểm, không phải tất cả đường bay đều có giá vé rẻ. Chưa kể, các khách sạn sau thời gian dài kiệt quệ, giờ đều phải kích hoạt cả hệ thống để phục vụ lượng khách chỉ bằng 5 – 10% bình thường nên phải duy trì mức giá đủ đảm bảo chi phí hoạt động.
Hành khách có nhu cầu đi du lịch vào thời điểm này đều là những người đã tiêm đủ 2 – 3 mũi vắc xin, mức độ tâm lý ổn định cao, quan tâm hàng đầu là an toàn, chất lượng dịch vụ, sự mới mẻ của điểm đến, không phải đi du lịch vì giá rẻ. Vì thế, phía công ty lữ hành cũng phải tập trung rất nhiều vào chất lượng sản phẩm, làm mới sản phẩm. Hầu hết các khách sạn được sử dụng thiết kế tour tết đều là khách sạn 4 sao trở lên.
Tương tự, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị – truyền thông Công ty lữ hành Fiditour, cho biết giá tour sẽ tùy tuyến, tùy thời điểm và hãng bay, song nhìn chung giá dịch vụ năm nay không quá thấp, không thể có giảm giá kiểu 50% hay tour siêu rẻ.
Theo Mai Hà – Hà Mai/TNO
Bình luận (0)