Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tìm giải pháp giám sát tai nạn thương tích trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em cũng cần phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cùng người lớn
Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa phối hợp xây dựng kế hoạch giám sát tai nạn thương tích trọng điểm giai đoạn 2011-2015, nhằm đưa ra những giải pháp góp phần giảm thiểu tỷ lệ tai nạn thương tích ở trẻ em.
Trẻ em bị tai nạn là do người lớn thiếu trách nhiệm
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta có hơn 1.900 trường hợp trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT), chiếm 24-26% trong tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Trong số đó, tỷ lệ trẻ dưới 19 tuổi bị chấn thương sọ não chiếm 25% và gần một nửa số này không đội mũ bảo hiểm khi tai nạn xảy ra. Theo số liệu thống kê, trong năm 2010, 75 bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng tại TP.HCM đã tiếp nhận chữa trị cho 43.444 trẻ em dưới 15 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó có 8.542 trường hợp bị tai nạn trên đường. Đáng chú ý, điều này có nguyên nhân từ sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của người lớn khi cho trẻ tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy. Các chuyên gia cho rằng, tai nạn thương tích của trẻ gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế, những thương tật vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng lao động suốt đời, không làm chủ được bản thân…
Rất cần sự phối hợp của các ngành
Để giám sát được tai nạn thương tích một cách có hiệu quả, từ năm 2011-2015, ngành y tế đã xây dựng một hệ thống giám sát điểm. Theo đó, đối với TNGT, dự kiến từ nay đến năm 2012, hệ thống giám sát sẽ triển khai tại 10 bệnh viện, trong đó có ba bệnh viện TW là: Việt – Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa TW Huế và bảy bệnh viện tuyến tỉnh, bao gồm: Xanh Pôn Hà Nội, Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, các bệnh viện Đa khoa Yên Bái, Ninh Bình, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Đồng Nai.
Đối với các loại tai nạn thương tích khác ở trẻ em, hệ thống giám sát sẽ triển khai ở năm bệnh viện, trong đó có hai bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố như: Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ và ba cơ sở điều trị tuyến TW (Trung tâm Chống độc quốc gia, Viện Bỏng quốc gia và Bệnh viện Việt – Đức). Được biết, đây là những bệnh viện có nhiều ghi chép giám sát thương tích và triển khai các chương trình can thiệp phòng chống thương tích cho trẻ em. Tuy nhiên, để chương trình đạt được hiệu quả tốt nhất thì rất cần đến sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Lao động Thương binh và Xã hội. Song song đó, các đoàn thể và chính quyền các địa phương cần phải tập huấn cho cán bộ giám sát tai nạn thương tích, thông tin về số lượng tai nạn thương tích tại các cơ sở y tế nhằm phản ánh được thực trạng số lượng tử vong tại cộng đồng.
Bàn về vấn đề tai nạn thương tích ở trẻ em, TS. Trần Thị Ngọc Lan – Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, các cơ sở y tế có lợi thế và điều kiện để tiến hành việc giám sát tai nạn thương tích. Đó là việc phân tích sâu hơn về nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích nói chung và TNGT nói riêng. Chẳng hạn, với công an, người ta đưa ra được nguyên nhân gây ra TNGT là do lấn đường, chạy quá tốc độ. Trong khi đó, phân tích của cơ sở y tế có thể biết được vì sao lại có những nguyên nhân ấy. Người bệnh có uống rượu hay không, có sử dụng chất kích thích hay không, có bị ảnh hưởng về thần kinh, khả năng nhìn hay phản xạ hay không… Thực tế, hệ thống giám sát tai nạn thương tích của ngành y tế đã được thực hiện 5 năm nay, việc phối hợp với UNICEF chỉ là thêm cơ sở để có nhiều hơn những biện pháp hiệu quả can thiệp nhằm kéo giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.
Bài, ảnh: H.A

Bình luận (0)