Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ùn tắc giao thông ở TP.HCM: Kỳ cuối: Giải pháp chống ùn tắc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hầm Thủ Thiêm sắp hoàn thành sẽ góp phần cải thiện môi trường giao thông trong khu vực

Mới đây, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 25 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 9 về việc thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông trong giai đoạn từ năm 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020.

Hạn chế phương tiện cá nhân
Trong kế hoạch thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn từ năm 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 của UBND TP.HCM có nhóm giải pháp được triển khai ngay vì ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả tức thì. Nhóm giải pháp này nhằm vào hai đối tượng: người điều khiển phương tiện giao thông và các điều kiện kỹ thuật, dịch vụ phục vụ việc đi lại. Cụ thể, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông. Để người điều khiển phương tiện chấp hành tốt hơn Luật Giao thông đòi hỏi các lực lượng chức năng như: CSGT, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử phạt nặng và chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra để chấn chỉnh và hoàn thiện các phương tiện kỹ thuật, dịch vụ trên đường nhằm phục vụ việc đi lại an toàn, thuận lợi hơn. Chính quyền các quận, huyện, phường, xã cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát, trật tự xử lý nhanh chóng, kịp thời và nghiêm khắc đối với những trường hợp cố tình lấn chiếm lòng lề đường. Bên cạnh đó, nhóm giải pháp lâu dài cũng được đưa ra nhằm giảm số lượng phương tiện giao thông lưu thông trên đường, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. Để giảm phương tiện lưu thông trên đường, cần tiến hành đồng thời hai việc: vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, chủ yếu là xe gắn máy để sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng, trước mắt là xe buýt. Trong các nhóm giải pháp cơ bản thì giải pháp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từng bước hoàn chỉnh, hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối với cả vùng TP.HCM được coi là giải pháp căn cơ nhất. Để hạn chế các phương tiện cá nhân, cần khuyến khích đi xe buýt bằng cách cải thiện chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ, đồng thời tạo ra sự thuận tiện cho hành khách. Nên tổ chức các điểm giữ xe miễn phí ở gần các trạm xe buýt để kích thích nhu cầu của người dân.
Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM thì trong thời gian tới, TP sẽ tập trung đầu tư xây dựng các đường vành đai, đường xuyên tâm theo quy hoạch phát triển giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, các quận, huyện cần phải đẩy mạnh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng để sớm triển khai xây dựng các công trình trọng điểm như: mở rộng tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, đường liên tỉnh lộ 25B, đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, nút giao thông Gò Dưa, nút giao thông tại cổng Đại học Quốc gia TP.HCM. Song song đó, cũng cần phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dở dang như: Đường hai bên Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, mở rộng xa lộ Hà Nội và các cầu: Rạch Chiếc, Rạch Tra, Phú Long… Đồng thời, TP cần đầu tư xây dựng thêm một số cầu vượt tại những ngã tư, giao lộ thường xảy ra ùn tắc giao thông như: Hàng Xanh, Cây Gõ, Thủ Đức… Theo kế hoạch của ngành GTVT, đến cuối năm nay sẽ hoàn thành một số công trình giao thông như: Hầm Thủ Thiêm, vượt sông Sài Gòn (dự kiến thông xe vào ngày 22-11-2011). Cũng trong dịp này, tuyến đại lộ Đông – Tây dài gần 22km sẽ được thông xe hoàn toàn. Tuyến này đi qua các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tạo thành một trục giao thông Đông – Tây và kết nối hai đầu Đông Bắc – Tây Nam của TP. Riêng đoạn đại lộ dài 13,4km từ giao lộ Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng (quận 1) đến ranh giới cầu vượt quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) đã được thông xe vào ngày 2-9-2009 và được đổi tên thành đường Võ Văn Kiệt. Tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông ra vào cảng Sài Gòn và từ đây đi các tỉnh miền Đông và miền Tây không phải đi vào trung tâm TP. Đây sẽ là con đường huyết mạch liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến tháng 12-2011, toàn bộ công trình cầu vượt Gò Dưa cũng hoàn thành, giúp giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông ở đoạn đường huyết mạch của quốc lộ 1A dẫn vào TP và tỉnh lộ 43 nối TP.HCM với Bình Dương.
Bài, ảnh: Hà Anh

Chỉ tiêu TP.HCM đề ra, đến năm 2015 sẽ có thêm 210km đường và 50 cây cầu được đưa vào sử dụng, nâng mật độ đường giao thông của TP lên 1,87 km/km2 vào năm 2015 và 2,17 km/km2 vào năm 2020. Nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,18% vào năm 2015 và 12,2% vào năm 2020.

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)