Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Khi học sinh “nhờn thuốc”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mô hình quản lý học sinh đi xe máy đến trường đã được mở rộng ra các trường THPT tại 4 quận nội thành Hà Nội. Mặc dù tại một số trường, hiện tượng này có giảm nhưng nhìn một cách tổng quát, đặc biệt ở khối ngoài công lập, việc học sinh đi xe máy đến trường vẫn là chuyện xảy ra hàng ngày.

Hơn 100 trường hợp vi phạm

 
Theo kết quả điều tra mới đây của Ủy ban ATGT quốc gia, gần 80% người bị xử lý vi phạm khi tham gia giao thông trong độ tuổi từ 16 đến 35.
Khảo sát của Thành đoàn Hà Nội và Sở GDĐT Hà Nội cho thấy, tình trạng vi phạm giao thông đường bộ của học sinh ngày càng gia tăng. Thống kê từ đầu năm học đến nay cho thấy, đã có 101 học sinh vi phạm. Đáng chú ý là mới chỉ có ½ số trường trong diện mở rộng thí điểm báo cáo số liệu, như vậy con số thực tế học sinh vi phạm còn cao hơn rất nhiều. Trong các đợt kiểm tra, xử lý hành chính các trường hợp sai phạm ở Hà Nội gần đây, có khoảng 20% đối tượng vi phạm giao thông là học sinh phổ thông.
Mặc dù Sở GDĐT đã yêu cầu các trường có học sinh vi phạm yêu cầu báo cáo phương án xử lý nhưng chỉ có 7 trường hồi âm. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 5% số học sinh có giấy phép lái xe (kể cả học sinh các trường TCCN), song số lượng học sinh dùng xe máy thực tế tại các trường học lớn hơn số người có giấy phép lái xe rất nhiều.
Đặc biệt, có vẻ như mới chỉ có các trường công lập bắt tay vào việc xử lý, còn khối ngoài công lập gần như bị bỏ lửng. Học sinh THPT, thậm chỉ là THCS của các trường dân lập, tư thục vẫn thản nhiên đi xe máy đến trường, đèo 3, không đội mũ bảo hiểm… vẫn khá phổ biến.
Mặc dù ngay từ đầu năm học, Sở GDĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không đi xe máy khi chưa đủ điều kiện. Thế nhưng, thực tế cho thấy, dù học sinh biết lệnh cấm, dù đã ký cam kết nhưng vẫn thản nhiên vi phạm với đủ chiêu thức “lách luật” như gửi xe bên ngoài trường, mặc áo khoác trùm ra ngoài áo đồng phục, che mặt…
“Phạt nguội” hết tác dụng?
Ban giám hiệu các trường cùng lực lượng công an giao thông đã tốn không ít công sức “vi hành” để chụp ảnh, quay camera các trường hợp vi phạm. Sau khi phát hiện, các trường hợp này đều đã bị áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Không thể phủ nhận tác dụng của biện pháp này khi số học sinh đi xe máy đến trường có dấu hiệu giảm, số vi phạm cũng bớt đi. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian đã thấy, biện pháp này không giải quyết được triệt để vấn đề. Ban giám hiệu cũng như công an không thể thường trực hàng ngày trên đường hay “vi hành” vào các ngõ ngách để phát hiện học sinh vi phạm.
Vì thế, thực trạng hiện nay cho thấy, học sinh đã “nhờn” với biện pháp “phạt nguội” này khi các vụ vi phạm ngày càng gia tăng. Thống kê mới đây cho thấy, một số trường từng rất quyết liệt ra quân ngăn chặn, đến nay đã có hàng chục trường hợp vi phạm Luật giao thông.
Kết quả thí điểm về quản lý học sinh đi xe máy được đánh giá có tiến triển, nhưng thực tế cho thấy, biện pháp này chỉ giải quyết được “phần ngọn” của vấn đề. Mặc dù công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhưng có không ít học sinh không tiếp thu hoặc không nhận thức được hậu quả của việc đi xe máy khi chưa đủ tuổi.
Lãnh đạo nhiều trường cho biết, sở dĩ việc học sinh vi phạm Luật giao thông đang có dấu hiệu gia tăng, một trong những nguyên nhân chủ yếu, bên cạnh việc dung túng của phụ huynh, đó chính là vì các trường xử lý chưa nghiêm, hình thức xử lý chưa có sức giáo dục, thuyết phục cao. Thực tế, các hình thức xử lý đang được các trường áp dụng hiện nay, như phê bình, khiển trách, cảnh cáo trước toàn trường, nặng nhất là hạ một bậc xếp loại hạnh kiểm dường như chưa đủ sức răn đe.
Việc ngăn ngừa học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông cũng như xây dựng văn hóa giao thông trong giới trẻ vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những yếu tố rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật giao thông của học sinh chính là nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chế tài xử phạt những vi phạm luật giao thông đối với học sinh để đủ sức răn đe, phòng ngừa. Tuy nhiên, theo như nhận định của hiệu trưởng một trường THPT: Hạn chế học sinh đi xe máy đến trường là một công việc cực kỳ khó khăn.
Theo Nguyên Minh
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)