Những chiếc xe ba bánh như thế này vẫn ngang nhiên hoạt động. Ảnh: I.T
|
Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP và Quyết định số 548/QĐ-TTg, nhiều năm qua, UBND TP.HCM đã ban hành quy định về cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông trong khu vực nội đô cũng như trên các quốc lộ thuộc địa bàn TP. Mặc dù thời điểm cấm lưu hành các loại xe thô sơ ba, bốn bánh, xe tự chế đến hết năm 2009, nhưng hiện nay, các loại phương tiện kể trên vẫn lưu thông khá phổ biến trên địa bàn TP.
Hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề
Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề, chính quyền TP.HCM không chỉ nhiều lần gia hạn thời gian cấm lưu hành, mà thời gian thẩm định hồ sơ và giải ngân tiền hỗ trợ cho người sử dụng các loại phương tiện thô sơ ba, bốn bánh, xe tự chế chuyển đổi nghề nghiệp cũng liên tục được nới lỏng, từ ngày 31-3-2010 đến 31-3-2011. Tính đến nay, chính quyền TP.HCM đã chi hàng trăm tỷ đồng cho việc hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề hoặc sắm phương tiện cơ giới khác để mưu sinh. Theo quy định, mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/phương tiện, đối với hộ nghèo là 7 triệu đồng/phương tiện. Lực lượng chức năng cũng đã xử lý, tịch thu trên 5.000 phương tiện kể trên cố tình hoạt động sau lệnh cấm. Tuy nhiên, đến nay các loại xe tự chế, xe ba gác chở cồng kềnh vẫn ngang nhiên hoạt động trên các tuyến đường. Chỉ riêng trên tuyến đường Cây Trâm thuộc địa bàn Q.Gò Vấp (dài khoảng 3km) đã có hơn 20 cửa hàng vật liệu xây dựng. Mỗi cửa hàng có từ 2 đến 3 xe ba gác, xe thô sơ chở vật liệu xây dựng, hầu hết người điều khiển chỉ ở độ tuổi từ 18-22.
Ông Nguyễn Hồng – Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT Q.Gò Vấp khẳng định chủ trương cấm xe ba gác, tự chế là đúng đắn. Thời gian qua, Ban ATGT quận đã xử lý kiên quyết nên trên địa bàn quận hiện còn rất ít chủ phương tiện hành nghề, mà số phương tiện lén lút lưu thông chủ yếu từ các địa phương khác đến.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, số xe ba bánh tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn quận là rất nhiều. Và bà Nguyễn Thị Thanh Vân – Bí thư Đảng ủy phường 9, Q.Gò Vấp thừa nhận, mặc dù biết nhiều hộ dân vẫn mưu sinh bằng các loại phương tiện bị cấm trên, nhưng phường không thể xử lý bởi họ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. “Với số tiền hỗ trợ từ 5 đến 7 triệu đồng, có hộ chuyển đổi được nghề khác nhưng cũng có hộ không chuyển đổi được do hạn chế về sức khỏe và trình độ” – bà Vân lý giải.
Xe thô sơ tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động
Tình trạng xe ba, bốn bánh thô sơ tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động như hiện nay đã tạo ra sự thiếu nghiêm minh, mặt khác gây khó khăn cho chính những hộ dân gương mẫu chấp hành chủ trương này. Gia đình ông Nguyễn Thanh Ngọc, cư ngụ đường Quang Trung, phường 11, Q.Gò Vấp là một hộ thuộc diện nghèo. Ngay sau khi quận thông báo chủ trương giao nộp xe, ông Ngọc đã gương mẫu đem chiếc xe ba gác là phương tiện mưu sinh duy nhất của gia đình hơn 20 năm qua đến phường giao nộp để nhận số tiền được hỗ trợ là 7 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông được phường cho vay thêm 50 triệu và vay ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng, cộng với số tiền vay mượn bà con họ hàng đủ để mua một chiếc xe tải nhỏ trị giá 120 triệu đồng mưu sinh. Sau gần 2 năm hành nghề xe tải, hiện nay, gia đình ông đang nợ nần chồng chất, bởi số tiền chở thuê từ xe tải thua xa thu nhập bằng xe ba gác. Xe tải bị hạn chế về giờ giấc lưu thông, trong khi xe ba gác chạy thoải mái, luồn lách được vào mọi ngõ nhỏ, nên xe tải khó cạnh tranh. “Chỉ mong sao Nhà nước nghiêm minh với xe ba gác, để chúng tôi chuyển đổi nghề cũng an tâm mà làm ăn sinh sống” – ông Ngọc bức xúc.
Được biết, đến nay Q.Tân Bình vẫn còn 181 hộ không đến giao nộp xe ba gác, thô sơ. Trong quá trình tuần tra, quận đã tịch thu 30 xe, nghĩa là còn lại 151 phương tiện thuộc diện cấm vẫn lén lút hoạt động trên địa bàn.
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hầu hết các quận, huyện chỉ có thể đưa ra được những con số về số xe đã giao nộp, số tiền đã chi hỗ trợ, còn việc người dân sử dụng số tiền đó ra sao, chuyển đổi nghề nghiệp đến đâu thì địa phương lại chưa nắm được. Thành thử ra thực hiện lệnh cấm xe thô sơ, tự chế, ba, bốn bánh chẳng khác nào như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Hà Anh
Trong báo cáo việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ gửi Đoàn Kiểm tra của Bộ GTVT, Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các cấp xử lý triệt để các đối tượng xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế, xe cơ giới ba bánh tự chế, không có đăng ký để đảm bảo trật tự ATGT trên phạm vi cả nước và địa bàn TP.HCM. |
Bình luận (0)