Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Chấn chỉnh việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trẻ em phải đội MBH khi tham gia giao thông

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) vừa tổ chức lễ tổng kết hoạt động năm 2011 và phát động tuyên truyền năm 2012 về đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT, Ủy viên UB ATGT quốc gia Lê Mạnh Hùng kêu gọi hợp tác nhằm nâng cao tỷ lệ đội MBH cho trẻ em trong Năm An toàn giao thông (ATGT) 2012.
Người lớn có trách nhiệm bảo vệ trẻ em
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em bị chấn thương sọ não, tử vong sau va chạm và tai nạn giao thông (TNGT) do không được đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy khá lớn. Do đó, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho rằng: “Trách nhiệm bảo vệ trẻ em là của người lớn, của các tổ chức chính trị xã hội và của quốc gia”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên và đưa ra chế tài xử phạt người điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy chở trẻ em không đội MBH. Đồng thời, các bộ, ngành cũng đã ban hành quy định về tiêu chuẩn chất lượng MBH cho trẻ em, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các trường học… về tác dụng của việc đội MBH cho trẻ em. “Việc đảm bảo ATGT đường bộ cho thanh, thiếu nhi và cộng đồng là một nhiệm vụ lâu dài, khó khăn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện được tình hình nếu như các ngành, các cấp cùng vào cuộc, đề ra được các giải pháp đúng và triển khai một cách có hiệu quả. Tôi kêu gọi hợp tác nhằm nâng cao tỷ lệ đội MBH cho trẻ em trong năm ATGT 2012, với mục tiêu là nâng cao ý thức trách nhiệm của người lớn trong việc đảm bảo an toàn cho con trẻ”, ông Hùng nhấn mạnh. 
Tăng cường kiểm tra xử lý
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2008 bên cạnh đó, Nghị 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định về việc đội MBH cho trẻ em, nhưng khảo sát của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội về tình hình sử dụng MBH cho trẻ em năm 2011, cho thấy tỷ lệ trung bình học sinh (HS) đội MBH ở Hà Nội là 16,7%, Đà Nẵng là 46,6%, TP.HCM là 40,1%.  Điều tra xã hội học cho thấy, 19,3% HS cho biết các em không bao giờ đội MBH, chỉ 45,8% HS luôn đội MBH. Đáng lo ngại, có 31,5% cha mẹ tin rằng đội MBH có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con em mình và 26,2% cha mẹ khẳng định MBH là nguyên nhân gây tổn thương cột sống của trẻ.
Bà Lotta Sylwander – đại diện UNICEF lo ngại: “Ở Việt Nam, tôi hiếm khi thấy trẻ em đội MBH khi ngồi xe máy cùng cha mẹ. Điều này thực sự rất nguy hiểm vì xe máy là phương tiện đi lại chính của các gia đình Việt Nam và cũng là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn cho trẻ em”. Đồng quan điểm, bà Lê Minh Châu – Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết: “Có thể nói, TNGT là một trong hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, hoặc gây thương tật cho trẻ em ở độ tuổi đến trường. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân do người lớn thiếu quan tâm, đã không đội MBH cho các em”. Bàn về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Đức Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT đường bộ – đường sắt kiên quyết: “Thời gian tới, ngành GTVT cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em cũng như tác dụng của MBH trong việc phòng tránh chấn thương sọ não cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy… Đồng thời, phát huy vai trò, sự phối hợp giữa nhà trường, Đoàn thanh niên và gia đình trong việc quản lý, giáo dục tuyên truyền cho thanh, thiếu nhi chấp hành pháp luật ATGT. Lực lượng cảnh sát sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những phụ huynh không đội MBH cho con em theo quy định”. Nhấn mạnh việc tất cả mọi người cần được bảo vệ vùng đầu khi tham gia giao thông, bà Lotte Brondum (Quỹ AIP) nói: “Nếu người lớn cần MBH thì chắc chắn trẻ em cũng cần được bảo vệ như thế. Để tránh những thương tích có thể xảy ra trong lúc ngồi trên xe máy tham gia giao thông, không nên có quy định độ tuổi tối thiểu đội MBH đối với trẻ em”.
Bài, ảnh: Hà Anh
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phó cục trưởng Cục Bảo vệ cuộc sống trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: “Để nâng cao tỷ lệ đội MBH cho trẻ em, cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cha mẹ, dạy trẻ kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đồng thời phải có chế tài xử phạt nghiêm minh và bình đẳng”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)