Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Từng bước đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đại lộ Nguyễn Văn Linh – con đường huyết mạch, thông thoáng ở phía Nam TP.HCM. Ảnh: T.L

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc. Từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia… Về hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ. Nâng cao năng lực vận tải, tìm biện pháp thúc đẩy giao thông thông suốt, an toàn. Về hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về hạ tầng đô thị lớn, từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập.
Phát triển đồng bộ giao thông thủy, bộ
Về đường bộ, ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A, hoàn thành phần lớn vào năm 2015 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020. Duy tu và nâng cấp để đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ. Đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên. Lựa chọn đầu tư những đoạn có hạ tầng yếu kém trên tuyến đường ven biển gắn với đê biển. Nối thông tuyến đường biên giới phía Bắc, phía Tây, Tây Nam. Nâng cấp một số tuyến giao thông hành lang kinh tế Đông Tây. Ưu tiên đầu tư trước một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam, tuyến nối Hà Nội và TP.HCM với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng. Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành khoảng 600km và đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc.
Về đường sắt, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có. Nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp. Phát triển đường sắt đô thị, đường sắt nội ngoại ô tại Hà Nội và TP.HCM. Nghiên cứu đầu tư mới tuyến đường sắt khổ 1,435m nối TP.HCM với TP.Cần Thơ và TP.HCM với TP.Vũng Tàu.
Về đường thủy nội địa, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; tăng chiều dài các đoạn tuyến sông được quản lý khai thác. Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long kết nối với TP.HCM; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình.
Quy hoạch, phát triển hệ thống cảng biển
Song song đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại ba vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại hai cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu); khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa). Ngoài ra cũng ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại 5 sân bay quốc tế: Nội Bài, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh. Xây dựng cảng hàng không quốc tế Nội Bài trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của miền Bắc. Huy động nguồn vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư để đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành. Ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của khu vực phía Bắc, Tây Bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với phát triển một số lĩnh vực khác như thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp giữa phát triển giao thông với xây dựng nông thôn mới. Dành đủ quỹ đất cho giao thông theo quy định khi xây dựng các khu đô thị mới. Ưu tiên cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến chính ra vào TP, các trục giao thông hướng tâm, nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, các tuyến tránh đô thị, các đường vành đai đô thị và các cầu lớn tại Hà Nội và TP.HCM. Phát triển vận tải hành khách công cộng, hiện đại, cả đường bộ, đường sắt trên cao, đường ngầm và giao thông tĩnh, nhất là các hình thức vận tải khối lượng lớn, hệ thống giao thông thông minh. Phấn đấu đến năm 2020 đạt tỉ lệ đảm nhận vận chuyển khoảng 25-30% hành khách công cộng. Phát triển một số công trình hạ tầng đô thị lớn, hiện đại về giao thông, cung cấp điện, cấp thoát nước… tại Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch cho các đô thị trong cả nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn ở các TP lớn và các trung tâm vùng. Từng bước giải quyết tình trạng úng ngập khu vực nội đô. Nghiên cứu đầu tư hệ thống đê ven biển, công trình thủy lợi ven sông Sài Gòn, hệ thống cống ngăn triều, kiểm soát lũ, bảo đảm tránh ngập nước do thủy triều tại TP.HCM, Cần Thơ.
Bài, ảnh: Hà Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)