Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

MBH không rõ nguồn gốc được bày bán công khai ở vỉa hè. Ảnh: I.T

Liên bộ Khoa học – Công nghệ, Công thương, Công an và Giao thông vận tải đang dự thảo thông tư liên tịch quy định về việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
Yêu cầu tối thiểu của  MBH: vừa với vòng đầu của người đội, mũ phải được gắn dấu hợp quy CR, phải có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ), quai đeo…
Những quy định mới
Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân sản xuất MBH phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm do mình sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN, gắn dấu hợp quy CR và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Dự thảo cũng quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông có trách nhiệm sử dụng đúng MBH đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy CR theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đội MBH, cài quai đúng quy cách. Trường hợp MBH có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai (tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai) không quá 70mm, góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn. Với MBH có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng (tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai) không được lớn hơn 50mm.
Năm 2008, Bộ Khoa học -Công nghệ đã ra Quyết định số 04/2008 QĐ-BKHCN về việc ban hành và thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy. Sau đó, Tổng cục Đo lường chất lượng cũng đã gửi văn bản hướng dẫn thực hiện tới UBND các tỉnh, thành phố; các tổ chức chứng nhận hợp quy MBH; các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH về việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với MBH. Tuy nhiên, do chưa quy định chi tiết về sản phẩm, hình thức xử phạt nên thời gian qua, thị trường MBH vẫn bị thả nổi. Người dân cứ “hồn nhiên” sử dụng các loại MBH thời trang, MBH dỏm để đối phó quy định. Vì thế, trong Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ GTVT đã đề xuất xử phạt từ 100.000-200.000 đồng đối với hành vi đội MBH không đúng theo quy định.
MBH dỏm vẫn “làm mưa làm gió”
Trong khi các ngành chức năng đang tích cực phối hợp để đưa ra những quy định chặt chẽ, quyết liệt hơn nhằm nâng cao chất lượng MBH, ngoài thị trường, MBH dỏm vẫn được bày bán và sử dụng công khai. Tổng cục phó Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Trần Văn Vinh cho biết, điểm mới trong dự thảo lần này là các tổ chức, cá nhân bán MBH sẽ phải ký các hợp đồng cung cấp với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu MBH đã được cấp phép. Quy định này sẽ hạn chế được tối đa việc sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chất lượng. Từ đó, cơ quan quản lý có cơ sở để yêu cầu các chủ hàng xuất trình loại giấy tờ này để xác minh nguồn gốc lô hàng. Nếu chủ hàng không xuất trình được hợp đồng, hay có xuất trình nhưng qua kiểm tra hàng vẫn không đảm bảo chất lượng… thì cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng khoanh vùng “đối tượng” để xử lý triệt để…
Phát biểu về vấn đề này, Thượng tá Trần Sơn – Phó trưởng phòng  Hướng dẫn luật, điều tra xử lý TNGT (Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ – đường sắt) cho biết: “Rất khó để CSGT xử phạt về chất lượng MBH, bởi lĩnh vực này không thuộc chuyên môn của CSGT. CSGT chỉ có quyền kiểm tra xử phạt theo chuyên đề, kết hợp cùng lực lượng quản lý thị trường để xử lý MBH không đạt chất lượng…”.
Vào thời điểm quy định bắt buộc đội MBH có hiệu lực trên toàn quốc (năm 2007), các thương hiệu MBH như Azura, LuckyStar, Amoro, Protec… khá hút hàng. Năm 2008, MBH Morning mở hàng chục showroom trên các tuyến đường chính tại TP.HCM, thu hút khá đông người tiêu dùng. Nhưng không được bao lâu, các đại lý thương hiệu này gần như mất hẳn trên thị trường MBH. Chị Trần Thị Thu Nhung – nguyên Phó phòng Kinh doanh MBH Morning chia sẻ: “Đến năm 2009, chỉ hơn một năm sau khi khai trương, các cửa hàng MBH Morning đã đóng cửa, hầu hết các sản phẩm không bán được, có tháng  không bán được chiếc MBH nào”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh – đại lý MBH Protec trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận tâm tư, những ngày đầu khai trương sản phẩm bán khá chạy. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cửa hàng bán rất chậm vì hiện nay trên thị trường nhan nhản sản phẩm giả thương hiệu Protec, giá vô cùng rẻ. Tại TP.HCM, MBH dỏm được bày bán khắp nơi với giá từ 30.000-45.000 đồng/chiếc. Anh Sơn, người bán MBH giá rẻ ở đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp thừa nhận: “Loại MBH này có điểm yếu là hay đứt quai, móc cài hay bị gãy, có khi chỉ rớt xuống đất là đã bể rồi. Do vậy, chúng tôi kèm thêm dịch vụ sửa MBH”.
Hà Anh
Các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưng Vương và Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM khuyến cáo, người dân nên đội MBH chất lượng đúng cách vì khi xảy ra sự cố, nhất là khi xảy ra tai nạn giao thông, có thể bảo vệ được đầu và hạn chế thấp nhất khả năng chấn thương sọ não. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)