Buôn bán lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự ATGT
|
Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác đảm bảo trật tự ATGT hai tháng đầu năm 2012. Tại hội nghị, nhiều kinh nghiệm, giải pháp đã được đưa ra nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu của Năm ATGT 2012.
Tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông
Phó thủ tướng – Chủ tịch UB ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kết quả tình hình trật tự ATGT hai tháng đầu năm rất khả quan, nhiều tỉnh, thành phố giảm mạnh về tai nạn giao thông (TNGT). Nhưng đó mới chỉ là thành công bước đầu, chưa ổn định và căn bản. Vì thế, Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng vẫn phải tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới.
Tại hội nghị lần này, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương nêu ngắn gọn tình hình chung. Đồng thời, đưa ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của địa phương trong công tác đảm bảo trật tự ATGT thời gian qua, sau đó đề xuất những giải pháp trọng tâm, đồng bộ để tiếp tục kéo giảm ùn tắc và TNGT trong thời gian tới để Chính phủ báo cáo với Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) – Phó chủ tịch thường trực UB ATGT quốc gia Đinh La Thăng cũng có những đánh giá sát sườn về công tác đảm bảo trật tự ATGT hai tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2012. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ, kế hoạch Năm ATGT 2012, thời gian qua các tỉnh, thành phố đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông. Trong hai tháng đầu năm, cả nước giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong đó có 31 tỉnh, thành phố giảm cả 3 tiêu chí, có 46 tỉnh giảm số người chết vì TNGT. Đặc biệt có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc TW có số người chết vì TNGT giảm trên 30%. Trong đó 4 tỉnh: Vĩnh Long, An Giang, Cà Mau, Lai Châu số người chết do TNGT giảm trên 50%.
Các địa phương đề xuất giải pháp
Phát biểu ở hội nghị, ông Phạm Thanh Hà – Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: “Thực tế tại địa phương cho thấy, có trên 52% số vụ TNGT đối tượng là thanh niên dưới 27 tuổi. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay đã có 14/46 vụ TNGT liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, 29% do chạy quá tốc độ và 18% do sử dụng rượu bia. Do đó, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế vi phạm (phạt mức cao nhất) đối với nhóm đối tượng và hành vi này. Đồng thời, gắn trách nhiệm người đứng đầu đối với việc đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn”.
Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: “Thành phố sẽ tiếp tục tiến hành phân làn phương tiện, xây dựng thêm cầu vượt kết cấu nhẹ tại các nút giao có mật độ giao thông cao, thí điểm hạn chế taxi và phương tiện cá nhân tại một số tuyến, bố trí phù hợp các điểm trông giữ phương tiện…”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên nêu giải pháp tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm phần đường, làn đường đối với các trường hợp điều khiển xe mô tô (80% TNGT trên địa bàn do xe mô tô gây ra). Đồng thời, khảo sát các vị trí gây TNGT, đường khớp nối, tầm nhìn bị che khuất. Còn các giải pháp mà Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Sinh đưa ra như sau: “Tại các buổi giao ban hàng tháng, thông báo đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị có cá nhân vi phạm và không xem xét các danh hiệu thi đua của đơn vị đó. Thái Bình đang hoàn thiện ban hành quy chế làm việc đối với cán bộ công chức, yêu cầu không sử dụng rượu bia trong giờ ăn trưa”. Còn ông Văn Hữu Chiến – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng lại cho rằng: “Các văn bản, chỉ đạo đã đầy đủ, vấn đề là hành động. Thành phố đã giao Sở GTVT phân làn 21 tuyến đường và kể từ ngày 1-4, sẽ tiến hành xử phạt. Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ khởi công xây dựng một nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn, xây dựng bãi đỗ xe ngầm, xử lý đường ngang dân sinh qua đường sắt…”. Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thì đề xuất: “Đối với những trường hợp gây TNGT do lỗi chủ quan của tài xế, ngoài xử lý hình sự cần cấm hành nghề vĩnh viễn”. Ông Huỳnh Thanh Điền – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lại đề nghị sửa đổi quy định theo hướng chỉ cho phép doanh nghiệp có vài chục xe mới được tham gia hoạt động vận tải đường dài (từ 300km trở lên). Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thông đề xuất nên có cơ chế đặc thù, chỉ định thầu đối với các gói thầu cải tạo, xử lý “điểm đen” về TNGT. Ngoài ra, lãnh đạo nhiều địa phương cũng có đề xuất tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền; bổ sung biên chế và phương tiện cho lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT.
Bài, ảnh: Hà Anh
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, hai tháng đầu năm, cả nước xảy ra 1.940 vụ TNGT, làm chết 1.665 người, bị thương 1.481 người. So với hai tháng đầu năm 2011 giảm 1.808 vụ (48,24%), giảm 408 người chết (19,68%), giảm 2.322 người bị thương (61,06%). Thời gian này, lực lượng CSGT toàn quốc xử lý 800.241 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, tạm giữ 2.561 xe ô tô, 90.991 xe mô tô. |
Bình luận (0)