Một trường hợp điều khiển phương tiện chở hàng sai quy định bị CSGT xử phạt
|
Ngày 24-4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã báo cáo tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức về “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – thực trạng và giải pháp”.
Tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ khá cao
Theo báo cáo của Bộ GTVT, năm 2011, tai nạn giao thông đường bộ chiếm 98,2% về số vụ, 96% số người chết, 98,8% số người bị thương trên cả nước. Ngoài ra còn gây thiệt hại về phương tiện, tài sản, hàng hóa hàng ngàn tỷ đồng. Trong năm 2011 và hai tháng đầu năm 2012 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 49.518 vụ tai nạn giao thông (TNGT), va chạm giao thông đường bộ, làm chết 12.399 người, bị thương 54.192 người. So với cùng kỳ năm 2010, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Trong đó, TNGT đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 14.599 vụ, làm chết 12.399 người, bị thương 11.200 người. So với cùng kỳ năm trước, giảm 1.159 vụ (7,35%), giảm 632 người chết (4,85%), giảm 329 người bị thương (14,2%). Cũng trong năm 2011 và hai tháng đầu năm 2012, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 7,2 triệu trường hợp vi phạm, thu nộp Kho bạc Nhà nước 2.044 tỷ 237 triệu đồng; tước 275.666 giấy phép lái xe, tạm giữ 26.842 xe ô tô và 650.227 xe mô tô. Tình trạng lái xe sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định còn phổ biến nhưng việc phát hiện và xử phạt còn thấp. Nhóm hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chủ yếu là lấn chiếm, xây dựng, sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ; san lấp, mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính, thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép, không đảm bảo điều kiện an toàn khi thi công trên đường bộ đang khai thác; vi phạm quy định về tải trọng cầu, đường bộ…
Cần phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền xử phạt
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bổ sung năm 2008, cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ và thanh tra đường bộ là hai lực lượng chính xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra còn có các lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát 113, công an xã tham gia phối hợp, hỗ trợ CSGT đường bộ tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT. Trong trường hợp cần thiết thì huy động thêm lực lượng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc huy động thêm lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, tồn tại và vướng mắc hiện nay là việc phân định trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn chồng chéo, bất cập dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, các vi phạm hành chính mới phát sinh không được xử lý triệt để từ ban đầu đã tạo thành tiền lệ xấu làm đối tượng vi phạm sinh nhờn, không chấp hành. Đối với lĩnh vực bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thanh tra đường bộ là lực lượng phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính nhưng việc cưỡng chế đối với các hành vi vi phạm lấn chiếm, xây dựng trái phép về đất đai gặp rất nhiều khó khăn; hoặc chồng chéo về thẩm quyền xử phạt.
Căn cứ theo Luật Thanh tra mới, tổ chức thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Đường bộ Việt Nam không còn tồn tại sau ngày 1-7-2011. Do đó, hoạt động của lực lượng thanh tra thuộc các tổ chức thanh tra trước đây trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam không còn cơ sở pháp lý để hoạt động. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT. Do không còn lực lượng thanh tra Tổng cục Đường bộ, việc xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển lên thanh tra bộ hoặc thanh tra sở GTVT giải quyết gây sức ép quá tải đối với chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra sở và chủ tịch UBND các cấp của địa phương. Các thủ tục ra quyết định xử phạt theo đó cũng phức tạp khiến người vi phạm mất nhiều thời gian chờ đợi xử lý, không bảo đảm tính kịp thời, nhanh nhạy của nền hành chính hiện đại. Việc chuyển hồ sơ vi phạm hành chính cho thanh tra các sở để tổ chức lực lượng kiểm tra hiện trường, thẩm định hồ sơ (có thể mất hàng tuần hoặc hàng tháng) dẫn đến thời hiệu ra quyết định xử phạt đã hết; công trình vi phạm đã đưa vào sử dụng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả về công tác xử lý vi phạm hành chính, giảm tính răn đe thuyết phục đối với các đối tượng vi phạm. Thời gian qua, việc xử phạt gián tiếp thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được lực lượng CSGT thực hiện. Tuy nhiên, việc xử phạt đối với người vi phạm còn nhiều bất cập do người vi phạm không phải là chủ phương tiện hoặc phương tiện đã chuyển quyền sở hữu nhưng chưa sang tên, đổi chủ. Hơn nữa quy định thông báo vi phạm về cơ quan hoặc nơi cư trú của người vi phạm theo quy định tại Thông tư số 38/2010/TT-BCA của Bộ Công an chưa được các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực sự quan tâm. Sau hơn một năm triển khai thông tư, chỉ có 0,01% thông báo được phản hồi.
Bài, ảnh: Anh Kiệt
Hiện nay, các nhóm hành vi vi phạm chủ yếu là đi không đúng phần đường, lấn đường, tránh, vượt trái quy định (21,6%); vi phạm quy định về tốc độ (21,2%); dừng đỗ xe trái quy định (8,9%); không chấp hành biển báo hiệu (5,9%); chở quá số người quy định, chở quá tải trọng (9,7%); người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm (9,3%). |
Bình luận (0)