Một con đường tại Q.8, TP.HCM bị ngập nước do mưa và triều cường |
Ngành giao thông đường thủy nội địa đang triển khai cấp bách các phương án để đối phó với diễn biến thất thường của điều kiện thời tiết do biến đổi khí hậu với phương châm chủ động phòng tránh, lấy phòng ngừa là chủ yếu; tổ chức ứng cứu nhanh và có hiệu quả.
Triển khai các phương án đề phòng
Cục Đường thủy nội địa cho biết, Việt Nam nằm trong những quốc gia đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu và đối mặt với việc nước biển dâng, thời tiết diễn biến thất thường, trái với quy luật của mưa bão. Theo dự báo, năm nay, bão số 1 đã đổ bộ vào các tỉnh phía Nam rất sớm, tuy không gây thiệt hại lớn về người nhưng báo hiệu một mùa mưa bão thất thường. Vì vậy, để chủ động đối phó với mùa mưa bão, các đơn vị của cục đang khẩn trương triển khai công tác tại các vị trí xung yếu. Với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy – lực lượng – phương tiện – hậu cần, các đơn vị đang triển khai phương án phòng chống va trôi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống và khắc phục nhanh nhất các thiệt hại trên luồng đường thủy nội địa. Năm nay, cục đã lên phương án thường trực chống va trôi kết hợp với điều tiết bảo đảm giao thông tại 13 vị trí xung yếu trên cả nước. Khu vực phía Bắc gồm cầu Đuống, cụm cầu Long Biên, Chương Dương, cầu Hồ, cầu Triều Dương, cầu Sông Mới, cầu đường sắt Bắc Giang. Khu vực miền Trung gồm cầu Hàm Rồng, Đò Lèn, Yên Xuân, Chợ Thượng – Thọ Tường, cầu đường sắt Kỳ Lam. Khu vực phía Nam là cầu đường sắt Bình Lợi. Đặc biệt, khu vực thượng và hạ lưu cầu Bình Lợi là điểm nóng về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy vì tĩnh không khoang thông thuyền thấp chỉ 1,5m, phương tiện hoạt động phải dựa vào sự lên xuống của con nước. Thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do phương tiện thủy mắc kẹt tại đây. Thậm chí đã có phương tiện không tuân thủ sự điều tiết của lực lượng làm nhiệm vụ cố tình đi qua, khi nước lên cả chiếc tàu đã đội dầm cầu Bình Lợi lên, gây thiệt hại lớn cho giao thông đường thủy, bộ tại khu vực này. Nhằm khắc phục tình trạng nói trên, các đơn vị chức năng đã tiến hành điều tiết khống chế, hướng dẫn giao thông qua các khu vực khan cạn, có vật chướng ngại nguy hiểm. Đồng thời, tiến hành nạo vét luồng một số khu vực, thông báo tình hình mực nước thường xuyên đến các đơn vị vận tải thủy. Nhờ vậy mà thiệt hại do mưa lũ gây ra thấp (chỉ gần 3,8 tỷ đồng).
Trực 24/24h để theo dõi tình hình
Theo kế hoạch, tại các đoạn quản lý đường thủy nội địa, Công ty Quản lý đường sông và các đoạn quản lý do cục ủy thác sẽ triển khai phương án cứu hộ, điều tiết, bố trí ca nô, tàu kéo và nhân lực có mặt thường xuyên để theo dõi diễn biến của thời tiết cũng như tình hình thủy văn để triển khai phương án sẵn sàng ứng phó. Do kinh phí dành cho công tác phòng chống bão lũ năm nay có nhiều khó khăn (15 tỷ đồng cho 13 điểm xung yếu) nên cục đã dành khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng vào việc bố trí điều tiết bảo đảm giao thông thường xuyên tại các điểm: Kênh Chợ Gạo (Tiền Giang), sông đào Hạ Lý (Hải Phòng), sông Quần Liêu (Nam Định) và khu vực Quảng Ninh. Đây là các vị trí trọng điểm và là tuyến vận tải thủy nội địa huyết mạch. Trước mắt, cục sẽ yêu cầu các đơn vị tổ chức tuyên truyền việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa cùng các quy định về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) cho người tham gia giao thông, chủ cảng bến cũng như thông báo tình hình luồng, lạch, vị trí neo đậu tránh bão cho các chủ phương tiện. Đồng thời, lực lượng thanh tra giao thông và Cảng vụ đường thủy nội địa sẽ phối hợp chặt chẽ với cảnh sát đường thủy kiểm tra việc chấp hành nghiêm quy định hạ tải trong mùa mưa bão; rà soát chướng ngại vật, khẩn trương đề xuất trục vớt, bố trí báo hiệu đầy đủ đảm bảo an toàn khi sự cố xảy ra. Khi có bão lũ, sự cố trên đường thủy nội địa, Ban PCLB&TKCN của cục sẽ trực 24/24h để theo dõi tình hình khí tượng thủy văn và chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác PCLB&TKCN. Bảo đảm thông tin liên lạc và chỉ huy trong suốt thời gian có bão, lũ và cứu hộ, cứu nạn. Ngay khi sau bão lũ, các đơn vị sẽ chủ động khảo sát lại tuyến, điều chỉnh, bổ sung ngay các báo hiệu đã bị hư hỏng, mất cho phù hợp với diễn biến của luồng bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Nhằm chủ động đối phó và chỉ đạo ứng cứu kịp thời trong mùa mưa lũ năm 2012, Cục Đường thủy nội địa vừa tiến hành tổ chức kiện toàn lại Ban chỉ huy PCLB&TKCN. Theo đó, Phòng quản lý hạ tầng của cục sẽ chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch PCLB& TKCN. Tổ chức kiểm tra trước, trong và sau bão lũ.
Bài, ảnh: Hà Anh
Bình luận (0)