Phát triển giao thông công cộng góp phần hạn chế ùn tắc giao thông |
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, một trong những giải pháp góp phần kiềm chế để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) là quản lý chặt chẽ giấy phép lái xe (GPLX). Do đó, từ năm 1996, Cục Đường bộ (nay là Tổng cục Đường bộ) đã quan tâm và có nhiều giải pháp để triển khai vấn đề này.
Quản lý chặt GPLX
Để tiếp tục nhiều giải pháp kiềm chế, giảm thiểu TNGT, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có chủ trương tập trung vào hai đề án lớn: Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020. Trong thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuê bao đường truyền, hợp đồng cung ứng phôi, tổ chức tập huấn cho cán bộ, chuyên viên của các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe, các sở GTVT trên toàn quốc; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức cấp phát và tập huấn cho giám đốc, phó giám đốc các sở GTVT sử dụng và quản lý chứng thư số trên GPLX mới. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng ban hành văn bản số 1868/TCĐBVN-QLPT&NL đề nghị Bộ GTVT cho phép ban hành GPLX mới. Ngày 29-5-2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký ban hành Quyết định số 1207/QĐ-BGTVT về việc sử dụng GPLX bằng vật liệu PET. Theo mẫu quy định tại Thông tư số 35/2010/TT-BGTVT của Bộ trưởng, GPLX mới được đưa vào sử dụng kể từ ngày 1-7-2012 và áp dụng cho các trường hợp: Cấp mới, cấp đổi cho người có GPLX hết thời hạn sử dụng, cấp lại cho người có GPLX bị mất, hỏng. Cũng theo quyết định này, GPLX đã cấp được tiếp tục sử dụng theo quy định.
Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) sang GPLX bằng vật liệu PET. GPLX được thống nhất quản lý trên toàn quốc bằng phần mềm. Sở GTVT các tỉnh thành có trách nhiệm đầu tư thiết bị, bố trí cán bộ vận hành đưa GPLX bằng vật liệu PET vào sử dụng. Trong thời gian chưa phát hành GPLX bằng vật liệu PET, các đơn vị vẫn được tiếp tục sử dụng phôi GPLX hiện hành nhưng không quá ngày 1-7-2013. GPLX sẽ được cấp số một lần duy nhất cho một người, số in theo seri in trên giấy phép chỉ để quản lý phôi, chữ ký của bằng lái xe mới cũng là chữ ký số chứ không ký trực tiếp trên giấy phép như trước. Đặc biệt, giấy phép mới sử dụng song ngữ tiếng Việt – Anh. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện tại có 12 phần mềm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe. Vì thế, tình trạng vi phạm của người lái xe sẽ được cập nhật, thủ tục và thời gian xin cấp lại GPLX cũng thuận tiện hơn rất nhiều so với trước.
Phát triển giao thông công cộng
Đề cập vấn đề phát triển vận tải hành khách công cộng, Vụ trưởng Vụ Vận tải Nguyễn Văn Thành giới thiệu khái quát Đề án phát triển vận tải khách công cộng. Trong đó có nêu thực trạng xe buýt, xe taxi hiện nay, dự báo nhu cầu đi lại và quy hoạch phát triển đến năm 2020. Đặc biệt là đưa ra các kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (chủ yếu là xe buýt ở TP.Hà Nội và TP.HCM cũng như các đô thị loại một). Theo ông Thành có 6 quan điểm, mục tiêu lớn trong đề án này. Trong đó, xe buýt vẫn đóng vai trò then chốt kiềm chế TNGT và đảm bảo môi trường; phát triển xe buýt dựa trên quy hoạch dân cư, khu công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng của từng thành phố; ưu tiên áp dụng công nghệ hiện đại khắc phục các tồn tại như ô nhiễm môi trường, bỏ bến, tuyến, phóng nhanh vượt ẩu… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ; tập trung đảm bảo số lượng song hành với chất lượng. Mục tiêu phát triển đồng bộ tương thích các loại hình phương tiện; cung cấp dịch vụ xe buýt thuận tiện, ưu tiên cho người khuyết tật cũng được chú trọng.
Bài, ảnh: Hà Anh
Bình luận (0)