Nâng cao chất lượng xe khách góp phần kéo giảm tai nạn giao thông |
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, quy mô của các doanh nghiệp vận tải (DNVT) còn manh mún, nhỏ lẻ khiến việc áp dụng các mô hình, quy trình quản lý tiên tiến hầu như không thực hiện được. Nhiều đơn vị vận tải trong thực tế không quản lý được tình trạng kỹ thuật, hành trình của phương tiện.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay trên 80% DNVT hành khách có quy mô dưới 10 xe. Trong số đó, phần lớn là kinh doanh vận tải (KDVT) khách theo dạng hợp đồng và tuyến cố định. Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị có số lượng xe ít thường là mô hình tổ chức lỏng lẻo, không có đủ các bộ phận quản lý, thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh mang tính chất hình thức.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, tính đến nay, các DNVT có quy mô lớn chú ý việc xây dựng thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, việc tổ chức vận tải theo mô hình hợp tác xã (HTX) đang bộc lộ nhiều bất cập. Các HTX tuy tập trung nhiều phương tiện nhưng không quản lý được xã viên. Thực tế, các xã viên tham gia HTX chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa pháp nhân, dẫn đến việc khi có sai phạm trong quản lý hoạt động vận tải, cơ quan chức năng không biết xử lý thế nào. Do không được tổ chức tốt nên các xã viên, phương tiện vận tải mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong hoạt động vận tải và an toàn giao thông (ATGT).
Tại tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc sửa đổi Nghị định số 91/2009/NĐ-CP, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có đặt vấn đề về việc kinh doanh và điều kiện KDVT. Song song đó là công tác quản lý lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chỉ mang tính hình thức, không trực tiếp tuyển chọn, quản lý, giáo dục, phát hiện và xử lý vi phạm. Hầu hết các đơn vị vận tải không bố trí cán bộ, hệ thống sổ sách, biểu mẫu để tập hợp, phân tích các dữ liệu về ATGT và chất lượng dịch vụ nên không có giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện cũng như giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh… Vì vậy, thực tế đang đòi hỏi việc quy định quy mô đối với các doanh nghiệp, HTX tham gia KDVT hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên và kinh doanh taxi là cần thiết. Việc quy định số lượng phương tiện tối thiểu như trên không làm xáo trộn thị trường vận tải vì các DNVT, HTX có quy mô nhỏ vẫn hoạt động bằng xe ô tô theo tuyến cố định có cự ly dưới 300km và các loại hình vận tải khác như hiện tại. Được biết, ngoài việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng vận tải và xây dựng tiêu chuẩn để các DNVT làm cơ sở đăng ký chất lượng vận tải với cơ quan Nhà nước và cam kết chất lượng phục vụ hành khách. Về việc công bố các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động vận tải và phục vụ hành khách, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế – Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Trần Quang Bình, cho biết: “Tổng cục vừa công bố 5 trạm dừng nghỉ đạt tiêu chuẩn.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục xem xét hồ sơ để tiếp tục công bố 20 trạm dừng nghỉ đạt tiêu chuẩn nhằm đáp ứng các dịch vụ cần thiết cho hoạt động vận tải hành khách, hạn chế tình trạng “cơm tù”, “cơm nhốt”, góp phần hạn chế tai nạn giao thông do lái xe mệt mỏi khi tham gia giao thông trên một hành trình kéo dài”.
Bài, ảnh: Hà Anh
Bình luận (0)