Tuyến ĐS Bắc – Nam qua địa phận TP.HCM
|
Theo Tổng công ty Đường sắt (ĐS) Việt Nam, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2012, ngành ĐS tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), giữ gìn an ninh trật tự, công tác quốc phòng theo quy định. Nâng cao tỉ lệ tàu khách đi đến đúng giờ. Tập trung chỉ đạo triển khai nhanh, dứt điểm các dự án đầu tư, sửa chữa khẩn cấp kết cấu hạ tầng ĐS trên các tuyến…
Hoàn chỉnh chiến lược giao thông ĐS
Tổng công ty ĐS Việt Nam vừa đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng cuối năm 2012. Theo đó, công việc cụ thể như sau: Hoàn chỉnh điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải ĐS từ nay đến 2020, tầm nhìn 2050; lập quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến ĐS Bắc – Nam hiện có. Chỉ đạo các công ty vận tải sớm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh vận tải năm 2013; rút ngắn thời gian chạy tàu tuyến Bắc – Nam xuống 28 giờ. Triển khai Đề án vận chuyển container trên tuyến ĐS Yên Viên – Hải Phòng sau khi được Bộ GTVT phê duyệt.
Triển khai Đề án tái cơ cấu ĐS Việt Nam theo tinh thần nghị quyết số 13 Hội nghị TW 4; tổng kiểm tra chất lượng tiến độ các công trình, dự án để thúc đẩy hoàn thành các dự án đúng tiến độ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo ATGT vận tải ĐS. Ban hành quy chế tài chính. Hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ phù hợp với mô hình tổ chức mới. Thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp, giảm chi phí phụ để hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty ĐS Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng cho biết, Việt Nam hiện có 3.143km ĐS đang được quản lý, khai thác, trong đó có 2.632km ĐS chính tuyến, nhưng hầu hết đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc, một số tuyến được bổ sung xây dựng sau này nhưng cũng đã đến lúc cần sửa chữa bảo dưỡng. Hiện trạng ĐS thấp kém, tồn tại 600 cầu yếu, 33 hầm ĐS đã phong hóa, tà vẹt nhiều chủng loại, ray, ghi mòn tật… Trong khi đó, kinh phí cho bảo trì sửa chữa hàng năm mới chỉ đạt 55-60% so với nhu cầu cần thiết. Ngành đã kiến nghị Bộ GTVT đề nghị với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi thông tư liên bộ về việc sử dụng thiết bị trong sửa chữa hạ tầng ĐS. Hiện nay, trên toàn tuyến có 600 đường ngang có phép nhưng lại có gần 6.000 đường dân sinh tự mở. Ở nhiều địa phương, nhiều dự án được cho phép mở đường ngang nhưng lại không xây dựng cầu vượt, nút giao cắt lập thể gây mất ATGT, cũng như không bố trí gác chắn làm ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu. Chi phí cho quản lý đường ngang chiếm tỉ lệ quá lớn khiến ĐS Việt Nam không có khả năng chi trả. Vì vậy, ĐS Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT có phương án hỗ trợ, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 88 của Chính phủ.
Tăng cường nâng cao chất lượng vận tải
Theo Cục ĐS Việt Nam thì Tổng công ty ĐS Việt Nam cần tăng cường phối hợp với cục kiểm tra rà soát dự án xây dựng hàng rào hộ lan, tránh để xảy ra tình trạng xây hàng rào, xóa đường ngang mà không làm đường gom, dẫn đến người dân phá hỏng hàng rào làm mất tác dụng của dự án. Tiến hành rà soát đường ngang, tùy mật độ phương tiện để có phương án nâng cấp đường ngang từ cảnh báo tự động lên có gác và ngược lại. Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Ngọc Thành cho biết, trong tình trạng các phương thức vận tải hàng hóa đều tụt giảm về sản lượng nhưng ĐS Việt Nam vẫn đạt kết quả kinh doanh, có lãi là điều đáng khích lệ. Thời gian tới để phát triển thì ĐS Việt Nam phải tăng cường chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách chứ không nên chỉ tập trung vào giảm thời gian chạy tàu. Về vận tải hàng hóa bằng container, Bộ GTVT luôn ủng hộ ngành ĐS Việt Nam, nhưng để thu hút các doanh nghiệp thì điểm mấu chốt lại nằm ở nội lực của ĐS Việt Nam. ĐS Việt Nam phải xây dựng được kế hoạch, thời gian, lộ trình cụ thể và phải chứng minh được năng lực của mình.
Bài, ảnh: Hà Anh
Để hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu: Ban lãnh đạo ĐS Việt Nam tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các đơn vị thành viên. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chủ động tự đổi mới tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải. Đầu tư cải tạo hạ tầng ĐS, sớm tổ chức hội thảo điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT ĐS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 để xác định bước đi lâu dài cho ngành ĐS Việt Nam… |
Bình luận (0)