Khoa học - Công nghệ

Hy vọng mới cho vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 đến từ loài khỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà Trung Quốc mới đây phát hiện loài khỉ có thể tự tạo miễn dịch với virus SARS-CoV-2 sau khi bị nhiễm bệnh COVID-19 – một phát hiện quan trọng có thể giúp đẩy nhanh quá trình chế tạo vắcxin.

Hy vong moi cho vacxin ngua virus SARS-CoV-2 den tu loai khi hinh anh 1
Loài khỉ có thể tự tạo miễn dịch sau khi bị nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)

Một nhóm chuyên gia nghiên cứu tại Học viện Y khoa Trung Quốc mới đây phát hiện ra một số loài động vật thuộc bộ linh trưởng có khả năng tạo miễn dịch kháng virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19.

Đây có thể là một phát hiện vô cùng quan trọng, trong bối cảnh các nước trên thế giới đang chạy đua với thời gian để đưa ra vắcxin cho dịch bệnh nguy hiểm này.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia được đăng tải trên bioRxiv, một trang web dành cho các nghiên cứu đang chờ được thẩm định. Theo nghiên cứu này, các chuyên gia Trung Quốc đã lựa chọn 4 cá thể khỉ vàng và cho chúng bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

3 ngày sau khi nhiễm virus, 4 con khỉ đã xuất hiện những triệu chứng của bệnh COVID-19 như sốt, khó thở, chán ăn và sụt cân. Đến ngày thứ 7, một trong 4 con khỉ đã bị virus xâm nhập khắp cơ thể, với phần phổi bị tổn thương có thể thấy rõ. Tuy nhiên, những con khỉ còn lại đều hồi phục dần và không còn cho thấy các triệu chứng của COVID-19.

Khoảng 1 tháng sau, kết quả thử nghiệm và chụp X-quang của những con khỉ khỏe mạnh đều cho thấy chúng đã khỏi bệnh hoàn toàn. Sau đó, 2 con khỉ trong số này đã được tiêm virus qua đường miệng. Điều gây bất ngờ là ngoài việc thân nhiệt có tăng nhẹ, những con khỉ này đều không có dấu hiệu gì của bệnh.

Khoảng 2 tuần sau đó, các nhà khoa học đã giải phẫu 2 con khỉ nói trên và họ không hề tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, họ lại phát hiện một lượng kháng thể khá cao, điều này cho thấy hệ miễn dịch của khỉ dường như đã sẵn sàng để chống lại bệnh dịch.

Phát hiện này có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu phát triển vắcxin cho dịch bệnh COVID-19. Hiện các cường quốc trên thế giới như Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đã bắt đầu những bước thử nghiệm vắcxin đầu tiên ở trên người.

Con đường dẫn đến một loại vắcxin cho dịch bệnh COVID-19 không hề bằng phẳng. Một trong những điều khiến giới nghiên cứu đau đầu, đó là những ca tái nhiễm virus chỉ vài ngày sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính và được ra viện. Theo giới chức Trung Quốc, tỷ lệ tái nhiễm virus tại nước này là 0,1-1% trên cả nước. Tuy nhiên, ở một số khu vực như tỉnh Quảng Đông, có gần 14% số bệnh nhân sau khi ra viện đã tái nhiễm trở lại.

Mặc dù vậy, nhóm chuyên gia tại Học viện Y khoa Trung Quốc cho rằng kết quả xét nghiệm dương tính của những bệnh nhân này có thể đến từ những nguyên nhân khác. Một trong những nguyên nhân này có thể là do các bệnh nhân chưa khỏi bệnh hoàn toàn, dù họ đã đáp ứng được những tiêu chuẩn để ra viện./.

 
Theo Vi Diệu/Vietnam+

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)