Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Chiến lược quốc gia về an toàn giao thông đường bộ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

CSGT bắn tốc độ để xử phạt lái xe chạy quá tốc độ quy định

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia vừa chủ trì cuộc họp dự thảo Chiến lược quốc gia về ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Được biết, từ năm 2007, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chính thức về việc giao cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì tiến hành nghiên cứu tính khả thi và xây dựng dự thảo chiến lược.
Nghiên cứu quy hoạch tổng thể
Theo Bộ GTVT, để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ GTVT đã thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập liên ngành nhằm xây dựng dự thảo chiến lược với sự tham gia của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố lớn đại diện cho các khu vực trên cả nước như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đắk Lắk. Căn cứ nghiên cứu để xây dựng dự thảo chiến lược là Luật Giao thông đường bộ; nghị quyết số 32/2007/NQ-CP; nghị quyết số 16/2008/NP-CP của Chính phủ; nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ; nghị quyết 21/2011/QH-13 của Quốc hội; chỉ thị 18/CT-TW của Ban Chấp hành Trung ương; quy hoạch tổng thể phát triển GTVT của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trong nhiều năm qua và đặc biệt là kết quả nghiên cứu, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Cụ thể, nghiên cứu quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ của Việt Nam đến năm 2020 do JICA tài trợ và thực hiện. Trải qua nhiều lần dự thảo với 3 giai đoạn (báo cáo đầu kỳ, báo cáo giữa kỳ và báo cáo cuối kỳ) và nhiều hội thảo, hội nghị xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, trong đó có hội nghị quốc tế, dự thảo chiến lược đã cơ bản được hoàn chỉnh. Theo đó, chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phải đạt được mục tiêu giảm tai nạn giao thông một cách bền vững trên cả 3 tiêu chí về số người chết, người bị thương và số vụ tai nạn. Song song đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu GTVT và bảo đảm ATGT, tiến tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn.
Tham khảo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia
Có mặt tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phát biểu: “Việc xây dựng chiến lược là hết sức cần thiết, hiện đã có các văn bản đề cập nội dung này nhưng chưa có văn bản tổng hợp chung về các quy định đó một cách toàn diện. Trong quá trình xây dựng chiến lược, Ban Soạn thảo đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới và vận dụng một cách hợp lý theo điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Sau khi đã lắng nghe các bộ, ngành đóng góp ý kiến vào dự thảo Chiến lược quốc gia về ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng và nỗ lực của Bộ GTVT, Ban Soạn thảo để có được một bản dự thảo chiến lược công phu và nghiêm túc. Đồng thời, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chiến lược là cơ sở, là nền tảng để xây dựng các kế hoạch ngắn hạn và trung hạn; tổng hợp các kế hoạch, quy hoạch, giải pháp sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2012-2020 và đến 2030”. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ ngành, chậm nhất là trong vòng 10 ngày tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược quốc gia về ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này sẽ cụ thể hóa, đề ra các giải pháp trung và dài hạn, lập kế hoạch hàng năm sát với thực tế để kéo giảm tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng còn nhấn mạnh đến các giải pháp là phải dễ hiểu, dễ làm, trong mục tiêu chung có mục tiêu cụ thể và sắp xếp theo các trình tự ưu tiên như: Tăng cường giáo dục pháp luật về ATGT, đưa giáo dục ATGT vào các cấp học; tổ chức cưỡng chế, thực thi pháp luật; đưa đầu tư hạ tầng giao thông vào chương trình mục tiêu ưu tiên quốc gia và tổ chức hệ thống cấp cứu trên các quốc lộ để kéo giảm tai nạn giao thông bền vững.
Bài, ảnh: Hà Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)