Đường ngập nước cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông |
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – Phó chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Đinh La Thăng yêu cầu Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia và Vụ ATGT tham mưu triển khai, quán triệt tinh thần chỉ thị số 18-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông. Cụ thể, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội thực hiện tốt các nội dung nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân; thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Theo chỉ thị số 18-CT/TƯ, cần huy động mọi tiềm lực xã hội và hợp tác quốc tế để đảm bảo các điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng. Xây dựng lực lượng đảm bảo trật tự ATGT trong sạch, vững mạnh, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Chỉ thị cũng chỉ rõ 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các cấp ủy Đảng; đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT với nhiều hình thức và nội dung phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, nhận thức rõ hiểm họa của tai nạn giao thông; đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội; gắn việc xây dựng “văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; coi nội dung này là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên.
Quy hoạch đô thị và giao thông
Song song với những nhiệm vụ nêu trên, tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, trong đó tập trung các nguồn lực để đầu tư thực hiện các chiến lược phát triển giao thông vận tải, giao thông đô thị; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình giao thông tập trung, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm… Tổ chức kết nối các phương thức vận tải giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không để đảm bảo lưu thông thông suốt trong mọi tình huống; có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự ATGT, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự ATGT phù hợp với tình hình mới; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này; quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền và cá nhân về đảm bảo trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc xử phạt cũng như xử phạt nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm trật tự ATGT; xây dựng chiến lược phát triển phương tiện giao thông phù hợp với phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện, bảo đảm phương tiện đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật; quy định niên hạn sử dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ… Đồng thời, triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Trong đó tập trung vào các giải pháp như thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị và giao thông, tập trung nguồn lực triển khai đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020 và kết nối với đề án phát triển vận tải hành khách bằng đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh… Xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý hè phố; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, khai thác có hiệu quả; có các giải pháp điều chỉnh lại giờ học giờ làm nhưng không gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, công tác, học tập, sinh hoạt của người dân. Chỉ thị này các cấp ủy Đảng phổ biến đến tận chi bộ, hàng năm báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện; 5 năm tổ chức sơ kết, 10 năm tổng kết đánh giá toàn diện.
Bài, ảnh: Hà Anh
Bình luận (0)