Cân nhắc vào sức học, chú ý môi trường học tập và đào tạo ở mỗi trường gắn với mục tiêu bản thân… là những lời khuyên được các nhà quản lý bậc THPT đưa ra cho học sinh lớp 9 khi lựa chọn nguyện vọng.
+ Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10): Chú ý môi trường đào tạo của từng trường
Các trường THPT công lập tại TP.HCM có rất nhiều loại hình đào tạo, từ trường chuyên đến trường thường có lớp chuyên, trường thường có lớp tích hợp, trường theo xu hướng tiên tiến hội nhập, trường xây dựng theo mô hình trường học thông minh. Mỗi môi trường đào tạo lại có một đặc điểm, thế mạnh riêng; vì vậy, khi đăng ký nguyện vọng, học sinh cần chú ý tìm hiểu để chọn được môi trường học tập phù hợp với sức học bản thân, điều kiện gia đình và mong muốn rèn luyện, mục tiêu ngành nghề của mình.
Trường THPT Nguyễn Du là một trong 3 trường THPT tại TP.HCM được xây dựng theo xu hướng tiên tiến, hội nhập và cũng là một trong 5 trường THPT xây dựng theo mô hình trường học thông minh. Thế mạnh của trường là ứng dụng CNTT vào học tập, giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục văn hóa, kỹ năng, với mục tiêu trang bị cho học sinh các kỹ năng, kiến thức để trở thành công dân toàn cầu trong thời hội nhập.
+ Thầy Võ Thanh Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức): Chọn môi trường phù hợp với mục tiêu bản thân
Môi trường THPT là môi trường hỗ trợ và theo sát học sinh, giúp các em định hướng được nghề nghiệp. Vì thế, xác định được một môi trường học tập phù hợp với sức học, năng lực và mục tiêu của bản thân đóng vai trò rất quan trọng. Trường THPT Thủ Đức là một trong 20 trường có điểm chuẩn tuyển sinh 10 cao nhất tại TP.HCM trong nhiều năm qua, vì thế khi đăng ký nguyện vọng vào trường, học sinh phải có sức học từ khá trở lên. Cạnh đó, môi trường rèn luyện tại trường cũng rất nghiêm với nhiều quy định chặt chẽ, giúp giáo dục kỷ luật, nề nếp cho học sinh, nên nếu xác định vào trường, các em phải tìm hiểu trước về những quy định này từ các anh chị đi trước hay trên website trường. Phụ huynh khi chọn trường cho con cũng nên tham khảo trước để có sự phối hợp với nhà trường trong phương pháp giáo dục học sinh khi học tập tại trường.
Ngoài thế mạnh về rèn kỷ cương, nề nếp, Trường THPT Thủ Đức cũng là một trong số ít trường THPT tại thành phố hỗ trợ đào tạo tin học Mos cho học sinh, tạo điều kiện cho các em dễ dàng học tập khi lên ĐH. Bên cạnh đó, trường cũng có nhiều ngoại ngữ tự chọn như tiếng Hàn, Nhật, Pháp bên cạnh tiếng Anh bản ngữ với thời lượng 2 tiết/tuần. Học sinh sẽ được tự chọn ngôn ngữ ngay từ đầu năm học… Một điểm chú ý khi chọn trường là các em cần cân nhắc về khoảng cách đi lại từ nhà đến trường sao cho phù hợp để có thể theo đuổi trong suốt 3 năm học THPT.
+ Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh): Không chọn trường theo bạn bè
Trường THPT Gia Định là một trong 4 trường THPT tại TP.HCM có lớp chuyên (các trường khác có lớp chuyên là Nguyễn Hữu Huân, Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Thượng Hiền cùng với 2 trường chuyên: THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa). Năm 2020, trường tiếp tục tuyển sinh 6 lớp chuyên là toán, lý, hóa, tiếng Anh, văn, tin học. Điều kiện để thi tuyển vào các lớp chuyên theo như quy định được Sở GD-ĐT TP.HCM áp dụng với hình thức thi tuyển vào trường chuyên: Học lực năm học lớp 6, 7, 8 từ khá trở lên; học lực năm lớp 9 từ giỏi trở lên; tốt nghiệp THCS loại giỏi. Ngoài các lớp chuyên có quy định về lực học, với các lớp thường không yêu cầu về học lực khi học sinh đăng ký nguyện vọng. Tuy nhiên, theo điểm chuẩn hàng năm, học sinh có học lực từ khá trở lên, cụ thể là điểm tổng kết phải từ 7,8 trở lên mới có khả năng trúng tuyển vào trường. Với các lớp thường, học sinh sẽ được phân ban ngay từ đầu căn cứ theo nguyện vọng, sở thích và mục tiêu nghề nghiệp của các em. Kết thúc mỗi năm học, trường luôn tổ chức các kỳ thi sàng lọc – những học sinh lớp chuyên không đủ sức theo học sẽ chuyển xuống lớp thường. Điểm mạnh của trường là không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển chuyên sâu về kỹ năng cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, các hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp. Hiện trường có 18 câu lạc bộ học thuật và kỹ năng, các câu lạc bộ này sẽ tạo ra sân chơi để học sinh rèn luyện bản thân, giúp định hướng nghề nghiệp cho các em.
Khi lựa chọn vào trường, học sinh lớp 9 cần xác định lại sức học của bản thân, cân nhắc vào quãng đường di chuyển từ nhà đến trường. Các em không nên chọn trường theo tâm lý đám đông (bạn bè) mà phải nhìn đúng vào thực lực của mình.
+ Cô Vũ Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1): Tìm hiểu thật kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng
Trường THPT Bùi Thị Xuân thuộc top trường có mức điểm chuẩn tương đối cao tại TP.HCM. Vì thế, khi đặt nguyện vọng vào trường cũng như vào các trường thuộc top điểm cao, học sinh phải lưu ý về sức học của mình. Không nhất thiết phải là lực học xuất sắc nhưng cũng phải từ khá, giỏi và nhất là các em phải có sự siêng năng, cẩn thận, chịu khó. Một điều lưu ý nữa khi đặt nguyện vọng là các em phải có sự tìm hiểu kỹ về ngôi trường đó, từ môi trường học tập, đào tạo cho đến các sân chơi, thậm chí là quãng đường di chuyển từ nhà đến trường xem có thuận lợi không. Điều này học sinh có thể tìm hiểu từ các anh chị đi trước hoặc trực tiếp đến các trường mình quan tâm, tránh tâm lý đặt nguyện vọng theo kiểu mơ hồ, chung chung, theo chủ quan từ lời bạn bè.
Đối với Trường THPT Bùi Thị Xuân, trường có hỗ trợ học sinh lớp tăng cường tiếng Anh với thời gian 4 tiết/tuần, giúp các em luyện thi chứng chỉ IELTS. Đặc biệt, trường có tăng cường ngoại ngữ 2, học sinh được chọn học thêm một trong những ngoại ngữ sau: Hàn, Đức, Nhật, Trung, Pháp hoặc học toán, khoa học bằng tiếng Anh ngay từ khi trúng tuyển vào trường. Các lớp ngoại ngữ 2 này sẽ được dạy 2 tiết/tuần vào thời khóa biểu buổi 2. Học sinh cũng được phân ban ngay từ khi trúng tuyển vào trường theo nguyện vọng: Ban A-B (toán, lý, hóa, sinh); ban A1-D (toán, lý, văn, tiếng Anh); ban A2-D (toán, hóa, văn, tiếng Anh). Lên lớp 12, các em sẽ được phân lại theo mong muốn chọn nghề nghiệp của bản thân. Hình thức phân ban của trường theo hướng chuyên môn hóa theo các ngành nghề sau này của học sinh. Trường có nhiều câu lạc bộ như nhiếp ảnh, báo chí truyền thông, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiếng Anh… Đây là sân chơi rèn luyện kỹ năng, kiến thức, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu với học sinh quốc tế cũng được trường duy trì hàng năm, tạo điều kiện để học sinh giao lưu, trau dồi khả năng ngoại ngữ. Về định hướng nghề nghiệp cũng là thế mạnh được trường đẩy mạnh, khi hàng năm tổ chức đưa học sinh đến nhiều trường ĐH theo nguyện vọng, mong muốn của các em để tìm hiểu về các ngành nghề, môi trường đào tạo…
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)