Nếu cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư tốt sẽ không còn cảnh ngập nước như thế này |
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, hiện tại Bộ GTVT đang nghiên cứu triển khai điều chỉnh lớn đối với chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Trong đó, có việc lựa chọn lại các dự án ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Theo đó, phải điều chỉnh lại một cách toàn diện và triệt để, phải toát lên được tinh thần chính là tránh đầu tư dàn trải, tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào những dự án có tính khả thi theo từng giai đoạn phù hợp. Dự kiến, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12-2012.
Đầu tư theo hướng hiện đại hóa
Theo chiến lược từng chuyên ngành: Đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa sẽ phải xem xét lại danh mục dự án ưu tiên đầu tư đã đề ra 3 năm trước đây theo quyết định số 35/2009/QĐ-TTg, để điều chỉnh lại và đầu tháng 11 sẽ trình Bộ trưởng thật cụ thể dự án nào để lại trong danh mục, dự án nào phải cắt hoàn toàn và dự án nào đưa sang đầu tư vào giai đoạn sau. Mục tiêu của ngành GTVT phải đạt được cơ bản không thay đổi: Là một trong 3 khâu đột phá để triển khai thực hiện thành công nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: Với ngành đường bộ, thay đổi lớn nhất là lựa chọn ưu tiên số 1 cho dự án mở rộng quốc lộ 1 lên 4 làn xe trước năm 2020. Quy hoạch năm 2009 không đề cập dự án này. Song do dự án đường cao tốc Bắc Nam mới đầu tư chưa được 200km trên mục tiêu 1.650km cho giai đoạn trước 2020, trong khi tốc độ tăng trưởng vận tải trên hành lang này quá lớn, nhiều đoạn quốc lộ 1 nay đã mãn tải và sẽ mãn tải trên cả quốc lộ 1 vào năm 2015. Do đó phải tập trung cao nhất cho việc mở rộng quốc lộ 1, tổng vốn đầu tư trên 195.000 tỉ đồng, trung bình cần xấp xỉ 22.000 tỉ đồng/năm. Dự án đường cao tốc Bắc Nam trong tình hình kinh tế hiện nay sẽ bị chậm lại, khả năng trước 2020 sẽ chỉ hoàn thành một số đoạn có lưu lượng vận tải lớn. Danh sách các dự án ưu tiên đầu tư còn lại của ngành đường bộ cơ bản không thay đổi, song sẽ phải chậm lại.
Đang chờ hoàn chỉnh để trình Thủ tướng
Trong khi đó, đối với ngành đường sắt, từ nay đến 2020 chỉ tập trung đầu tư nâng cấp đường sắt Bắc – Nam. Toàn bộ các dự án khác đưa vào kế hoạch sau năm 2020 “do nguồn lực đầu tư không có”. Thị phần vận tải đường sắt từ nay đến 2020 cũng đề nghị điều chỉnh giảm xuống và sẽ điều chỉnh tăng sau 2020. Theo Cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức: Đối với đường bộ, tập trung lớn nhất cho mở rộng quốc lộ 1 lên 4 làn xe đã cần một nguồn lực rất lớn, đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Do đó vấn đề đầu tư 5.600km cao tốc là không thể được. Nối thông đường Hồ Chí Minh với Tây Nguyên trước 2020 cũng rất mong manh. Các dự án đường ven biển và đường hành lang biên giới cũng chỉ đề nghị là “đầu tư những đoạn có tầm quan trọng trọng yếu”. Song với đường sắt lại phải đưa điện khí hóa vào và nối với đường sắt xuyên Á. Với hàng hải, cần đầu tư các cảng cửa ngõ, phải chọn Sao Mai – Bến Đình và Cái Mép. Đầu tư cảng Vân Phong phải tính toán lại và để sau 2020. Với hàng không, theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, cần tập trung đầu tư cho Trung tâm Quản lý hoạt động bay. Các sân bay nội địa chỉ nâng cấp, không có kế hoạch mở rộng. Cần đưa vào đầu tư sân bay: Cam Ranh, Nà Sản, Thọ Xuân. Cần có chính sách đối với đầu tư tàu bay, hiện nay đội tàu bay của ta rất nhiều chủng loại, nhiều hãng khác nhau khiến bảo trì rất khó khăn, tốn kém và không thu hút được hãng sản xuất đầu tư cơ sở hạ tầng sửa chữa ở trong nước. Cũng cần đầu tư một đội tàu bay vận tải hàng hóa chuyên dùng. Sau khi từng chuyên ngành có đề xuất cụ thể, việc điều chỉnh chiến lược sẽ được chuyên gia của các hiệp hội nghề nghiệp: Hội Cầu đường, Hội Môi trường GTVT, Hiệp hội Cảng đường thủy tham gia ý kiến, được Bộ GTVT hoàn chỉnh trên tổng thể chung và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12.
Bài, ảnh: Hà Anh
Bình luận (0)