Nhằm giúp học sinh lớp 9 chủ động tự ôn tập môn văn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi xin lưu ý các em những điểm trọng tâm sau đây.
1.Nắm vững những trọng tâm trong cấu trúc đề thi. Liên tiếp các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM những năm qua, cấu trúc đề thi không có sự thay đổi. Theo đó, đề thi gồm 3 câu hỏi: Đọc hiểu văn bản (3 điểm); viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 1 trang giấy thi, 3 điểm) và câu nghị luận văn học (4 điểm). Ở phần đọc hiểu, đề thi đánh giá thí sinh về kiến thức tiếng Việt, kỹ năng trình bày ngắn gọn, và cả hiểu biết về các văn bản văn học, kiến thức xã hội. Do vậy, để đạt điểm cao phần này, các em cần ôn tập kiến thức cơ bản về tiếng Việt, nhất là nội dung chương trình lớp 9. Chú ý các câu hỏi về phương thức biểu đạt, xác định câu chủ đề và nêu chủ đề của văn bản, đặt nhan đề cho văn bản, xác định các phép liên kết, các biện pháp tu từ, như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh… Ngoài ra, học sinh cần lưu ý các kiến thức liên quan về từ vựng, ngữ pháp; nghĩa của từ hoặc cụm từ, hiểu ý nghĩa của một từ mới nào đó trong văn bản; phát hiện các ý chính và các chi tiết trong ngữ cảnh liên quan; hiểu vấn đề và đưa ra giải pháp về vấn đề văn bản đưa ra… Cũng có thể đề sẽ cho 2 văn bản và yêu cầu thí sinh nhận xét, so sánh sự giống và khác nhau, như đề thi năm 2019 vừa qua. Ở câu nghị luận xã hội, thí sinh sẽ rất bất ngờ và cảm thấy thú vị về cách hỏi của đề thi. Vì xu hướng hiện nay là đề thường cho một số hình vẽ, một số mẩu chuyện trên sách, báo từ đó cho thí sinh có sự lựa chọn để làm bài. Dù vậy, các em cũng cần nắm chắc phương pháp làm bài nghị luận xã hội, gồm nghị luận về hiện tượng đời sống và về tư tưởng đạo lý. Hai dạng bài này có phần giống và khác nhau trong thao tác các bước. Vì vậy, các em cần phân biệt kỹ cách làm của từng dạng tùy theo từng yêu cầu cụ thể của bài làm. Cách tốt nhất là đọc nhiều đề và bài tham khảo. Ngoài ra, các em phải biết tích lũy dẫn chứng (nhớ) theo nhóm đề tài. Nên thường xuyên theo dõi tin tức thời sự để có thêm hiểu biết xã hội và có quan điểm chính kiến riêng của bản thân. Với câu nghị luận văn học, có hai dạng đề và thí sinh được chọn 1 trong 2 đề đó để làm bài. Đề 1 thường là đề bám sát chương trình lớp 9; đề 2 thường khó hơn, dành cho thí sinh khá giỏi, ít thí sinh chọn làm bài hơn. Ở dạng đề 1, các em cần nắm chắc các dạng bài cơ bản về nghị luận một tác phẩm/đoạn trích văn xuôi và nghị luận về một bài thơ/đoạn thơ. Đề thi thường có hai mức yêu cầu từ phân tích sau đó liên hệ, so sánh, đối chiếu. Để làm tốt câu hỏi này, các em cần nắm những đặc trưng riêng của thể loại văn bản thơ và truyện. Cần nắm vững cốt truyện, tóm tắt tác phẩm, đoạn trích, nhớ dẫn chứng tiêu biểu, hiểu ý nghĩa các chi tiết chính trong truyện. Với văn bản thơ, các em cần nắm vững các kỹ năng phân tích thơ; nhớ tác giả, hoàn cảnh; hiểu chủ đề, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật. Nên hệ thống kiến thức chương trình theo nhóm chủ đề để việc ôn tập nhanh chóng, hiệu quả và có sự liên hệ lẫn nhau.
2.Rèn các kỹ năng cần thiết. Để làm tốt bài thi môn văn, học sinh lớp 9 cần rèn luyện các kỹ năng sau đây: Thứ nhất, kỹ năng phân tích đề, lập dàn ý và dự tính trước dạng đề thi sẽ cho, gồm các đề thi (và đáp án) các năm đã qua, đề thi tham khảo. Thứ hai, kỹ năng tổng hợp, khái quát kiến thức, gồm tất cả các yêu cầu về kiến thức văn bản, tiếng Việt; kiến thức xã hội; kiến thức văn học theo cấu trúc đề thi. Thứ ba, kỹ năng dùng từ, đặt câu, viết đoạn, xây dựng bố cục bài làm. Thứ tư, kỹ năng đọc tài liệu tham khảo và ghi nhớ dẫn chứng cần thiết. Thứ năm, kỹ năng đưa dẫn chứng vào bài làm…
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh,
Q.Tân Phú, TP.HCM)
Bình luận (0)