Phụ huynh đưa con đi học bằng xe gắn máy trong tình trạng đầu trần |
Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ trên 6 tuổi đã được phổ biến rộng rãi và đi vào thực thi từ ngày 12-9-2012. Tuy nhiên, phụ huynh (PH) vẫn lơ là, chủ quan, dù nhà trường không ngừng tuyên truyền và qui định xử phạt rất nghiêm khắc…
Ra rả tuyên truyền…
Tại cổng trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) vào đầu buổi học, rất nhiều PH đưa con đến trường trong tình trạng đầu trần. Đa số PH khi được hỏi về quy định bắt buộc trẻ em trên 6 tuổi tham gia giao thông phải đội MBH, đều chia sẻ rằng có biết, có được nhà trường phổ biến nhưng vì nhà gần hay vội quá mà quên mất. Đó cũng là thực trạng chung ở hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thành phố như: Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Q.4), Trường Tiểu học Phan Văn Hân (Q.3), Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5)…
Có con năm nay học lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1), chị Lê Thu Hương phân trần: “Mới đầu năm học, do chưa quen giờ giấc nên mỗi buổi sáng cháu thường dậy muộn, chỉ kịp ăn sáng là đã sát giờ vào học. Vì sợ cháu muộn học nên tôi thường quên mất việc đội mũ cho cháu…”.
Cũng có con học lớp 1 Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Q.4), nói về lý do không đội MBH cho con, chị Nguyễn Thùy Trang chia sẻ: “Nhà thì gần quá, đưa cháu đi học rồi tiện thể tôi đi làm luôn nên cũng ngại đội mũ cho cháu…”.
Về phía nhà trường, ban giám hiệu các trường than thở, dù đã thực hiện nhiều biện pháp giáo dục cả từ phía học sinh và PH nhưng đa phần chỉ mang tính tuyên truyền hướng đến PH là chủ yếu vì các em học sinh còn nhỏ. Mà PH thì lại rất chủ quan. Biện pháp chưa mạnh, PH chưa làm theo…
Thậm chí, nhiều trường còn treo khẩu hiệu trước cổng trường, kêu gọi PH nghiêm chỉnh chấp hành việc đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông. Thầy Đặng Văn An, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Q.4) chia sẻ: “Đầu năm học, trường đã phổ biến quy định đội MBH cho trẻ trên 6 tuổi đến mỗi phụ huynh. Trong những lần họp PH tiếp đó, giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp đều có trao đổi về ý nghĩa của việc đội MBH cho con em. Rồi mỗi lần sinh hoạt dưới cờ cũng nhắc nhở, giáo dục các em học sinh ý thức tham gia giao thông… Ngay tại cổng trường cũng có gắn khẩu hiệu…”.
Không chỉ dừng ở việc phổ biến, nhiều trường còn phối hợp với cảnh sát giao thông (CSGT) phường để đưa công tác an toàn giao thông vào trong nhà trường. Cô Lê Thị Bé – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1) chia sẻ: “Nhà trường thường xuyên mời các anh CSGT đến, dạy những bài học nho nhỏ như một cách chơi trò chơi với các em học sinh về cách tham gia giao thông an toàn nhất. Giáo viên trong trường cũng được cử đi học về an toàn giao thông khi bên công an phường tổ chức. Nói chung việc không đội MBH cho trẻ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của phụ huynh…”.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Lê Thái Minh Hầu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5) nêu ý kiến: “Nhìn về mọi góc độ, dường như nhà trường đã làm hết trách nhiệm trong việc tuyên truyền. Còn thực hiện thế nào là ý thức của PH. Hình phạt thì bên CSGT đã áp dụng rồi, PH thực chất là chưa hiểu hết ý nghĩa của việc phải đội MBH cho trẻ…”.
Cần mạnh tay xử phạt
Theo số liệu thống kê vào tháng 7-2012 của WHO tại Việt Nam, trong khi 77% người lớn tham gia giao thông bằng xe gắn máy đội MBH đúng quy cách thì tỷ lệ này chỉ chiếm 32% ở trẻ em.
Cuối tháng 10 vừa qua, sơ kết 1 tháng thực hiện áp dụng việc bắt buộc đội MBH đối với trẻ em trên 6 tuổi, Phòng CSGT đường bộ đường sắt công an TP.HCM thống kê số liệu đã xử lý hơn 1.153 trường hợp vi phạm. Nhưng đó mới chỉ là con số chưa đầy đủ. Vì trên thực tế, phần lớn CSGT tại các chốt giao thông vẫn còn dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở PH nghiêm chỉnh chấp hành quy định.
Trao đổi trong quá trình làm việc tại chốt giao thông Nguyễn Thị Minh Khai và Cách Mạng Tháng 8 vào cuối buổi chiều, chiến sĩ Phạm Thành Nghĩa, thuộc Đội CSGT Bàn Cờ chia sẻ: “Dù quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ trên 6 tuổi trước khi đưa vào thực thi đã có một thời gian dài tuyên truyền, phổ biến, nhưng hiện giờ, nhiều PH khi đưa rước con em đi học vẫn vi phạm và ngơ ngác nói không biết. Những trường hợp như thế đều bị phạt tiền từ 150 ngàn đồng. Nhưng thực ra, phần nhiều chúng tôi cũng chỉ nhắc nhở…”.
Bàn về vấn đề ý thức của phụ huynh, tiến sĩ xã hội học Nguyễn Thị Tuyết Minh nêu quan điểm: “Chúng ta luôn nói với nhau rằng, hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ. Nhưng hãy nhìn lại xem, chúng ta đã làm những gì, ngay như việc đơn giản, nhẹ nhàng nhất là đội MBH để bảo vệ chính tính mạng cho con em mình, mấy ai chấp hành nghiêm chỉnh? Mà có chấp hành, dường như chúng ta chỉ nghĩ làm việc đó là vì CSGT đứng đâu đó trên đoạn đường mình chạy qua. Nguy hiểm hơn, chúng ta đã gieo vào lòng trẻ ý thức đối phó, coi thường pháp luật. Giáo dục gì cũng phải đi từ gốc, mà gốc ở đây là chính từ trong gia đình, từ phía PH…”.
Theo thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản thì: “Có lẽ cơ quan chức năng nên mạnh tay xử phạt hơn nữa, đừng khoan dung, đừng nhân nhượng. Vì đây là cả một quá trình, liên quan đến không chỉ ý thức mà là tính mạng trẻ. Phải mạnh tay thì mới mong người dân chấp hành nghiêm chỉnh được…”.
Bài, ảnh: Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)