Vẫn còn nhiều trường hợp chở ba, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy. Ảnh: I.T
|
Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 34/2010/ NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, từ 10-11-2012 tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ, trong đó có hành vi của chủ xe ô tô, xe gắn máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện sau khi mua bán theo quy định.
Những ngày đầu chỉ nhắc nhở
Sáng ngày 10-11-2012, cách cầu vượt An Sương 2km trên quốc lộ 1A (đoạn qua địa phận huyện Hóc Môn), Đội CSGT An Sương xử lý bắn tốc độ, với phương tiện là xe mô tô, gắn máy; chỉ trong 60 phút có đến 25 trường hợp vượt quá tốc độ; trong đó có 20 trường hợp vượt quá tốc độ trên 10km/h và có đến 5 trường hợp chạy quá tốc độ trên 20km. Anh Trần Minh Nghĩa (sinh năm 1985, cư ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), điều khiển xe gắn máy mang biển số kiểm soát 66k3-5673 “phân tích” về vi phạm của mình: “Em từ Đồng Tháp lên Bình Dương thăm vợ con đang ở bên ngoại, vì không biết khu vực này có bắn tốc độ nên chạy ẩu (cười)”. Khi được hỏi về nghị định 71 thì anh Nghĩa cho rằng: “Ở dưới quê nên hổng có biết, nhưng bắn tốc độ thì biết, còn số tiền bị phạt bao nhiêu thì ghi sao phạt vậy”. Khi nghe số tiền bị phạt từ 2-3 triệu đồng cho việc chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h, anh Nghĩa kêu lên: “Trời, tiền đâu mà đóng”. Với trường hợp của anh Lê Hoàng Hiếu (ngụ quận Bình Tân) điều khiển phương tiện mang biển số 55V4-6575 vượt quá tốc độ 15km/h, giấy tờ xe do người khác đứng tên, thì Đại úy Trần Ngọc Sang cho biết: Ngoài việc phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng vì chạy quá tốc độ, anh Hiếu còn bị phạt thêm lỗi không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện là 1 triệu đồng. Tuy nhiên, do mới vi phạm lần đầu nên cũng chỉ bị nhắc nhở chứ chưa áp dụng mức xử phạt. Chỉ trong buổi sáng đã có 25 trường hợp vi phạm, trong đó có đến 8 trường hợp người điều khiển phương tiện có tên trên giấy phép lái xe khác với giấy tờ xe, các trường hợp trên đều cho rằng mượn phương tiện, phương tiện của gia đình, của vợ (chồng) hoặc con đứng tên. Hầu hết các trường hợp này đều được nhắc nhở.
Nhiều trường hợp điều khiển xe nhưng trong máu có nồng độ cồn
Đúng 19 giờ 15 tối 11-11, 8 cán bộ chiến sĩ, 2 cán bộ chỉ huy Đội CSGT trật tự Công an quận Bình Tân sử dụng 6 chiếc mô tô và 1 xe tải rời trụ sở khởi đầu đợt ra quân xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định theo nghị định 71/CP. 19 giờ 30, chốt được lập tại ngã tư đường số 1 và đường vành đai trong thuộc phường Bình Trị Đông B, Bình Tân. Ngay lập tức, một chiếc honda Dream “tống” 3 bị thổi lại, chiếc máy đo nồng độ cồn được “khai trương”. Tuy nhiên, sau một hơi thở dài của người thanh niên điều khiển chiếc Dream, các chỉ số trên máy đo nồng độ cồn vẫn “án binh bất động”. Không có lỗi vi phạm do uống bia, rượu khi điều khiển phương tiện giao thông nhưng biên bản vẫn được lập vì lỗi chở 3. Sau đó 10 phút, máy đo nồng độ cồn bắt đầu hoạt động khi các chiến sĩ CSGT kiểm tra anh Lê Chí Trung (sinh năm 1980, ngụ ấp 4, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh) điều khiển xe 59N1-08765. Thật bất ngờ, chỉ số nồng độ cồn của anh Lê Chí Trung vượt gấp 2 lần chỉ số cho phép tức 0,8mg/1 lít khí thở. Khi Đại úy Trần Minh Chiến cho anh Trung biết: “Theo nghị định 71/CP xử phạt mức đo nồng độ cồn vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng”, anh Trung phân trần “Chỉ uống có vài ly làm gì mà cao quá vậy”. Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, gần 10 trường hợp người điều khiển mô tô có nồng độ cồn vượt quá quy định đã bị phát hiện, đa số những người này đều không hề hay biết gì về quy định của nghị định 71. Cũng trong đêm 11-11, Đội CSGT Hàng Xanh tuần tra kiểm soát các trường hợp lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm cho người đi đường trên tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh – Bùi Đình Túy – D2 – D5. Trên các cung đường này trong những ngày qua, tình trạng thanh niên tụ tập, lạng lách đánh võng đều vắng bóng một cách lạ thường, có lẽ các “quái xế” cũng đã “ngửi được mùi” nghị định 71 nên “án binh bất động”.
Theo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM, trong 2 ngày 10 và 11-11-2012, có 482 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý. Trong đó 155 trường hợp vi phạm về tốc độ, 105 trường hợp vi phạm đi sai làn đường, 35 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 15 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, cùng các lỗi vi phạm khác. Đối với lỗi vi phạm không sang tên đổi chủ phương tiện, theo Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, do mới thực hiện nên lực lượng CSGT chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền người dân. Đặc biệt là đối với các trường hợp xe biển số tỉnh lưu thông vào địa phận TP.HCM chưa hiểu rõ nghị định 71, người lớn tuổi, học sinh sinh viên, phụ nữ mới vi phạm lần đầu được nhắc nhở. Tuy nhiên, nếu vi phạm lần hai sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
Hà Anh
Bình luận (0)