Đường sắt Việt Nam hiện đã lạc hậu
|
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng: “Chiến lược phát triển GTVT đường sắt cần được bổ sung hoàn chỉnh trong tổng thể chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2050. Đó cũng là mục tiêu, nhiệm vụ để có sự thay đổi, đột phá về kết cấu hạ tầng GTVT theo định hướng nghị quyết 13 và nghị quyết TW4 của Đảng. Điều chỉnh chiến lược để làm căn cứ thực hiện, phải tìm ra nguyên nhân vì sao đường sắt Việt Nam sau nhiều năm vẫn còn nhiều yếu kém, lạc hậu…”.
Không thể thiếu GTVT đường sắt
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phải điều chỉnh chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2050, tiến trình thực hiện chiến lược phát triển này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1996 đến 2011, thị phần vận tải đường sắt sụt giảm từ 27,9% xuống còn 4,1% về hàng hóa và từ 7,9% về hành khách xuống còn 1,8%. Nguồn vốn đầu tư cho đường sắt từ năm 2008 đến 2011 chỉ chiếm 2,51% trong khi đường bộ chiếm 84,84% tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Những con số nêu trên nói lên nhiều điều và cũng cho thấy đã đến lúc cần phải điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đường sắt, nếu xác định GTVT đường sắt là không thể thiếu, thậm chí là chủ đạo trên một số tuyến.
Giáo sư Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT phân tích thực trạng đường sắt Việt Nam hiện tại, với 3.143km, trong đó có 2.531km đường chính tuyến, chưa có một km nào vào cấp, việc đầu tư cho đường sắt lâu nay chỉ mang tính chất cải tạo, sửa chữa để vận hành đảm bảo an toàn. Từ nay đến năm 2020 phải đầu tư cho tuyến đường sắt Bắc – Nam, phải quan tâm đến đường sắt đô thị, việc kết nối các tuyến đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia. Đồng quan điểm với giáo sư Khuê, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đoàn Xê cũng cho rằng GTVT đường sắt Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập. Ông nói lâu nay làm chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam rồi lại để đấy. Phân tích tình hình tài chính hiện tại, ông Đoàn Xê cho rằng, từ nay đến năm 2020 nên tập trung cho tuyến Bắc – Nam hiện tại với mục tiêu đúng giờ, an toàn, nâng cao chất lượng phục vụ. Tập trung cải tiến một số đoạn khu vực như Khe Nét, đèo Hải Vân để nâng cao tốc độ chạy tàu từng đoạn đạt 120km/h. Sau năm 2030 mới tính đến làm đường sắt cao tốc, trước đó có thể thí điểm làm đoạn ở hai đầu.
Phát triển phải kèm giải pháp khả thi
Nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Trọng Bách lại phân tích năng lực của các tuyến đường sắt hiện đã cạn kiệt và đưa ra quan điểm: Không nên đầu tư vào đường sắt Bắc – Nam để nâng tốc độ lên 120km/h mà cứ duy trì 70km/h, dành tiền đầu tư đồng bộ cho các tuyến đường sắt còn lại đảm bảo tốc độ 70km/h. Ông cũng kiến nghị nên làm một đoạn đường sắt cao tốc từ Hà Nội – Vinh với thời gian 1 giờ 18 phút cho hành trình 318km, đây cũng là cơ sở, tiền đề cho việc xây dựng đường sắt cao tốc sau năm 2030 và 2050. Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên và nguyên Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cho rằng: “Do căn bệnh kinh niên về nhu cầu đầu tư không cân đối với nguồn lực nên chiến lược lâu nay thường bị vỡ”. Đồng thời chỉ rõ việc cần phải xây dựng các tuyến huyết mạch, lộ trình và nguồn vốn đầu tư cho GTVT đường sắt. Chiến lược phát triển GTVT đường sắt lần này phải rất cụ thể và kèm theo giải pháp thực hiện khả thi.
Bài, ảnh: Hà Anh
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định: “Trước mắt sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc – Nam hiện có, đảm bảo chạy tàu an toàn với tốc độ 70-120km/h, sau năm 2020 mới tính đến việc xây dựng đường đôi khổ 1.435mm và đường sắt cao tốc. Kế hoạch phát triển đường sắt cần được làm cụ thể. Với ý chí và quyết tâm cao, với tư duy GTVT không chỉ chú trọng đến đường bộ, thời gian tới có thể dừng vài đoạn đường bộ cao tốc để đầu tư cho đường sắt…”. |
Bình luận (0)