Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp công tác quản lý vận tải dễ dàng hơn và đảm bảo an toàn. Ảnh: I.T
|
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thì việc cưỡng chế vi phạm, xử phạt nhiều cũng không phải là giải pháp chính để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) mà vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước mới là quyết định. Những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến xe chở khách có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Doanh nghiệp phải xem trọng công tác quản trị
Theo Vụ Vận tải – Bộ GTVT, tính đến nay có 41.594 xe lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm 94% số xe trong diện phải lắp. Điều này được Phó vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng cho biết, có 96% xe chở khách chạy tuyến cố định, 94% số xe buýt và 93% số xe vận tải container đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, trong kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ GTVT tại 49 đơn vị kinh doanh vận tải, 11 bến xe tại địa bàn TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng và Nghệ An thì hầu hết các thiết bị giám sát hành trình không đáp ứng được các yêu cầu như theo dõi, trích xuất được đủ thông tin theo quy định mà chủ yếu là không theo dõi, trích xuất được thời gian làm việc của lái xe. Điều đáng nói là có tới 87% (43/49) đơn vị chưa thực hiện quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình (lắp đặt hoàn toàn để đối phó với cơ quan chức năng). Cụ thể, kết quả các cuộc thanh tra của Bộ GTVT gần đây cho thấy có 41/49 đơn vị thành lập bộ phận theo dõi về ATGT nhưng chỉ là hình thức, chỉ để đủ thủ tục, điều kiện xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Có tới 26/49 đơn vị sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không có trong danh sách lái xe, nhân viên đăng ký. Vì làm ăn không bài bản, sử dụng người không đúng nguyên tắc nên có tới 41/49 đơn vị không đóng bảo hiểm cho nhân viên và lái xe. Điều này cho thấy các doanh nghiệp chưa coi trọng công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản lý rủi ro, đảm bảo ATGT. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để xảy ra liên tiếp các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách trong thời gian qua.
Tìm giải pháp nâng cao trách nhiệm
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: Để xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có trách nhiệm của cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và lái xe. Để giảm được tai nạn, biện pháp xử phạt, cưỡng chế không phải là cơ bản mà phải nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Phải đánh giá tốt thực trạng, đề ra các giải pháp đúng với thực tế. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi một số thông tư về trách nhiệm, quy trình quản lý giám sát hành trình và phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thông tư. Trong đó phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn khai thác vận tải bằng xe khách. Bộ trưởng cũng lưu ý các giải pháp phải nâng cao được trách nhiệm của người thi hành công vụ, không gây phiền hà, tăng chi phí và gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Trước mắt, Bộ GTVT phải khẩn trương hoàn thành dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A để lắp dải phân cách giữa. Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải triển khai đề án bảo đảm mặt đường êm thuận, rà soát lại hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, nghiên cứu quy định tốc độ ban đêm cho phù hợp với thực tế, khẩn trương kiểm soát tải trọng xe và xây dựng thông tư về xếp dỡ hàng hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm hạn chế xe quá khổ, quá tải. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu tổng cục rà soát lại các điểm đen, nếu cần sử dụng ngay tiền từ Quỹ bảo trì đường bộ để xóa các điểm đen nhằm hạn chế TNGT. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ GTVT kiểm tra các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào không đủ các điều kiện về vận tải sẽ rút ngay giấy phép hoạt động. Khẩn trương hoàn thiện bản đồ số để khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình. Bộ trưởng cũng yêu cầu mời Bộ Công an cùng với cơ quan tham mưu kiểm tra công tác đào tạo sát hạch giám sát lái xe, lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý phản ánh của nhân dân về các doanh nghiệp vận tải nhằm đảm bảo an toàn cho vận tải khách bằng đường bộ.
Hà Anh
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là một bước ngoặt trong công tác quản lý vận tải và đảm bảo an toàn. Mọi thông số của hành trình đều được thiết bị này ghi lại, là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước trích xuất thông tin và mang lại hiệu quả trong việc quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lắp thiết bị giám sát hành trình chỉ mang tính đối phó. |
Bình luận (0)