Đây là nhấn mạnh của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Hội nghị do Thành ủy TP.HCM tổ chức.
Tại hội nghị, 40 tập thể và 13 cá nhân đã vinh dự nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM do có thành tích xuất sắc trong thực hiện NQ29 (trong ảnh: Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao Bằng khen cho các tập thể)
Chất lượng dạy và học ngày càng tiệm cận quốc tế
Thực hiện NQ29, ông Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết, ĐH Quốc gia TP luôn quán triệt chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng phải hướng đến và tiệm cận chuẩn quốc tế. Theo đó, các trường thành viên đã tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với những đối tác uy tín trong đào tạo, nghiên cứu khoa học… Kết quả, ĐH Quốc gia TP.HCM có được nhiều kinh nghiệm quốc tế về quản trị ĐH, nghiên cứu, đào tạo. Nhờ vậy, kiểm định chất lượng quốc tế của đơn vị liên tục đạt thứ hạng cao trong nhiều bảng xếp hạng ĐH quốc tế uy tín…
Với Sở GD-ĐT TP, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT – cho biết, nhận thức việc đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá là mảnh ghép hoàn hảo nhất tạo nên sự thay đổi tích cực cho việc dạy và học, các cơ sở giáo dục trực thuộc đã thực hiện đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau nhằm thu được những thông tin phản hồi 2 chiều từ giáo viên và học sinh. Thông qua kết quả kiểm tra đánh giá học sinh, tổ chuyên môn, lãnh đạo nhà trường điều chỉnh việc quản lý và đưa ra giải pháp phù hợp như tổ chức dự giờ, thăm lớp, rút kinh nghiệm. Sinh hoạt chuyên môn với nội dung phong phú, thiết thực; giáo dục ý thức cầu thị, tự học tập, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng giáo viên cốt cán về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; đánh giá đúng năng lực, trình độ giáo viên trong tổ, từ đó hỗ trợ giáo viên thực hiện đổi mới…
Có thể thấy, qua 10 năm triển khai và thực hiện NQ29, ngành GD-ĐT TP.HCM đã có những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong giai đoạn 2013-2022, toàn ngành tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở GD-ĐT trực thuộc. Mô hình trường THPT chất lượng cao, trường học thông minh, trường tiên tiến hiện đại… đáp ứng mục tiêu giáo dục học sinh năng động, tự tin, bản lĩnh, sẵn sàng hội nhập, thân thiện, có đủ điều kiện phát triển toàn diện…
Tại quận 3, xác định phát triển đảng viên là một nội dung quan trọng, hàng năm, Ban Thường vụ Quận ủy đều quan tâm đến đối tượng học sinh và giáo viên trẻ. Ông Nguyễn Thành Nam – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 3 – cho biết, năm 2017, Ban Thường vụ Quận ủy đã quyết định thành lập tổ công tác kết nạp Đảng trong giáo viên; sau đó quyết định thành lập tổ công tác thực hiện kết nạp đảng viên trong các chi bộ trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX. Kết quả, tỷ lệ đảng viên là giáo viên năm 2013 là 14,52%, năm 2017 tăng lên 21,87% và hiện nay là trên 29%; Tỷ lệ học sinh được kết nạp Đảng tăng dần theo từng giai đoạn, giai đoạn 2013-2017 chỉ kết nạp được 4 học sinh, giai đoạn 2018-2023 kết nạp được 10 học sinh.
Đổi mới bắt đầu từ sự gương mẫu của thầy cô giáo
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, sau 10 năm thực hiện NQ29 đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đặc biệt, đó là sự chuyển biến về chất của GD-ĐT TP. Nhiều mô hình mới tiếp cận sáng tạo mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn, tư duy phát triển GD-ĐT theo nhu cầu xã hội…
Sau 10 năm thực hiện NQ29, chất lượng GD-ĐT TP.HCM đạt nhiều kết quả tích cực (trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non Họa Mi 3, quận 5 trong giờ học vận động). Ảnh: H.Triều
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nên cho rằng, với đô thị đặc biệt lớn như TP.HCM, tốc độ tăng dân số cơ học luôn đặt ra một thử thách mới từ công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng đáp ứng cho phát triển GD-ĐT và hoàn thiện mạng lưới trường, lớp đến việc triển khai giáo dục toàn diện, lấy học sinh là trung tâm.
Trên cơ sở các kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện NQ29, Đảng bộ TP tiếp tục tạo điều kiện cho giáo dục TP phát huy thế mạnh; phát huy tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhằm đưa sự nghiệp GD-ĐT phát triển vượt trội, xứng tầm với ngọn cờ đầu của cả nước, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân TP.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền phải nhận thức, hành động cụ thể hơn, rạch ròi hơn để cùng chia sẻ với ngành giáo dục. Song song với đầu tư của Nhà nước, cần vận dụng tối đa chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù của NQ số 98 vào phát triển giáo dục. Tiếp tục đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm phát triển phẩm chất, năng lực hài hòa đức – trí – thể – mỹ của học sinh. Cùng với đó định hướng tư duy phát triển GD-ĐT theo nhu cầu xã hội để chuyển biến dần nhận thức từ việc học để lấy bằng sang học tinh thông nghề nghiệp, phù hợp với tình hình hiện nay. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân luồng học sinh…
“Để các thầy, cô giáo toàn tâm, toàn ý với nghề đòi hỏi các cấp, ngành phải tiếp tục tìm lời giải, từ đó đề xuất cho lãnh đạo TP các cơ chế chính sách nhằm cải thiện, tạo điều kiện đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo”, Bí thư Nên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nên, trong tiến trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trước hết cần đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận và tính dũng cảm thay đổi chính mình từ đội ngũ cán bộ quản lý đến thầy cô giáo. Việc đổi mới cần bắt đầu từ sự gương mẫu của các thầy cô giáo…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)