Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Âm nhạc chữa lành đang trở nên phổ biến

Tạp Chí Giáo Dục

Khái niệm âm nhạc chữa lành bắt đầu xuất hiện từ sau khi đại dịch COVID-19 tạm lắng và ngày càng phổ biến. Chỉ từ tháng 12/2023 đến nay, có đến hơn chục sản phẩm, dự án được quảng bá với thông điệp này.

Ca sĩ Orange (Khương Hoàn Mỹ) mở đầu cho năm 2024 với Nơi pháo hoa rực rỡ (sáng tác: Hứa Kim Tuyền) kể về cuộc gặp gỡ của những người trẻ mắc kẹt lại thành phố. Ca khúc nhắc nhở họ, dù cuộc sống có khó khăn thế nào, vẫn còn gia đình để quay trở về.

Trước đó, khi ra mắt MV Lòng mẹ 3, Satila Hồng Vịnh cũng công bố dự án tổ chức những buổi diễn ở vùng xa – nơi mọi người khó tiếp cận sân khấu. Song đó, âm nhạc của cô cũng hướng đến việc chữa lành cho mọi người, hàn gắn các mối quan hệ…

Hình ảnh trong MV Ho’oponopono của Thanh Hà - Phương Uyên

Hình ảnh trong MV Ho’oponopono của Thanh Hà. Ảnh: Phương Uyên

Nhiều sản phẩm khác cùng hướng đến mục tiêu này như: Mưa nào mà hông tạnh (AMEE, Phúc Du, Trid Minh, WOKEUP), album  Colours của Hứa Kim Tuyền kết hợp cùng loạt ca sĩ như: Cẩm Vân, Tóc Tiên, Văn Mai Hương; Ho’oponopono (Thanh Hà – Phương Uyên); Sau này nếu có thương em (Hương Ly); Em khóc được rồi (Phượng Vũ), Mất anh em tìm lại thấy chính mình (Lưu Hương Giang), Để anh không (Madihu), Những ngày mưa cô đơn (Trung Quân)… Tùng, AVI… cũng là những cái tên đi theo xu hướng này. Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng dành hẳn mùa Music Diary thứ năm để theo đuổi nội dung này, có sự xuất hiện của thiền sư Minh Niệm.

Hầu hết sản phẩm đều xuất phát từ trải nghiệm của cá nhân nhạc sĩ, ca sĩ. Như Orange, từng đối diện nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc. Nhưng khi đã vượt qua, ca sĩ muốn truyền động lực, cổ vũ khán giả vượt qua khó khăn. Salita Hồng Vịnh cũng từng trải qua biến cố, tinh thần đi xuống nặng nề khi mẹ qua đời vì ung thư. Khi tìm lại được sự cân bằng, ca sĩ muốn trải lòng, chia sẻ với những người có cùng hoàn cảnh. Sản phẩm Ho’oponopono lấy cảm hứng từ nghi thức hòa giải và tha thứ của người Hawaii cổ, ra đời từ những mất mát của cá nhân Phương Uyên mà nhạc sĩ mong có thể chia sẻ với khán giả.

Trên thế giới, khái niệm âm nhạc chữa lành không quá xa lạ. Âm nhạc giúp giảm căng thẳng, cảm xúc tiêu cực, thoát khỏi sự trì trệ, tiêu cực… Chúng cũng được chia thành nhiều liệu pháp. Ca sĩ Đình Bảo cho biết, qua quá trình nghiên cứu về âm nhạc, âm thanh tại Mỹ, anh nhận thấy âm thanh với tần số khác nhau sẽ đưa đến những phản ứng khác nhau của cơ thể. Tuy nhiên, khái niệm chữa lành trong nhạc Việt hiện chỉ dừng ở mức là thông tin được các ê kíp nhạc sĩ, ca sĩ chủ động đưa đến với công chúng.

Bản thân một ca khúc, dự án âm nhạc hay, ý nghĩa, thu hút vốn dĩ có thể mang đến những cảm xúc, chuyển biến tâm lý tích cực cho người nghe. Khi đó, chúng cũng thực hiện được trọn vẹn mục tiêu của mình, dù có được dán nhãn chữa lành hay không. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Bình luận (0)