Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, hiện Sở GD-ĐT TP.HCM chưa tính đến việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế làm ưu tiên xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) trong giờ học tiếng Anh
Cụ thể, trao đổi với phóng viên ngày 24-1, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hiện nay Sở GD-ĐT TP.HCM chưa tính đến việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học quốc tế để tính vào điểm cộng, làm ưu tiên xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Nhiều năm qua, TP.HCM đang đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, từ bậc tiểu học thông qua các đề án dạy và học ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế. Ngành giáo dục thành phố thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM. Các chương trình, đề án đột phá của ngành huy động được nguồn lực xã hội và đạt hiệu quả cao như: Chương trình kích cầu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học; Chương trình “Dạy và học toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”; chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài; các hoạt động câu lạc bộ; các cuộc thi khoa học kỹ thuật, học thuật đánh giá theo chuẩn quốc tế được chú trọng…
Theo báo cáo khảo sát trực tuyến năng lực ngoại ngữ của học sinh lớp 9 TP.HCM năm học 2022-2023 do Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện với 98,4% học sinh khối 9 toàn thành phố tham gia khảo sát. Nội dung đề khảo sát theo chuẩn Cambridge. Kết quả cho thấy: Phần lớn học sinh lớp 9 đạt trình độ A1 ở 2 kỹ năng đọc và nghe; 4% học sinh đạt cấp độ B1(PET) ở kỹ năng đọc và sử dụng tiếng Anh; 5% học sinh đạt cấp độ B1 ở kỹ năng nghe. Trong đó, quận 1 là địa phương có tỷ lệ học sinh đạt cấp độ Pre A1 thấp nhất và tỷ lệ học sinh đạt ấp độ B2 cao nhất và huyện Cần Giờ thì tỷ lệ này ngược lại.
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, tỷ lệ này so với năm 2021 thì có cao hơn. Điều này cho thấy chất lượng dạy và học tiếng Anh ở các trường THCS đang ngày càng có những chuyển biến rõ rệt, học sinh tiệm cận được với các bài thi theo chuẩn quốc tế.
Trong chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học có trình độ ngoại ngữ A1 hoặc tương đương; 100% học sinh hoàn thành chương trình trung học đạt cấp độ ngoại ngữ từ A2 và tương đương trở lên; 50% học sinh tiểu học đạt chứng chỉ tin học, ngoại ngữ quốc tế (trường tiên tiến hội nhập quốc tế tỷ lệ 80%).
Đặt trong bối cảnh giáo dục của TP.HCM hiện nay, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng TP.HCM hoàn toàn có thể sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế để làm ưu tiên trong tuyển sinh vào lớp 10, bước đầu áp dụng với những trường THPT thực hiện theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Điều này sẽ vừa ghi nhận quá trình học tập, nỗ lực của học sinh, vừa phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của thành phố, đồng thời khuyến khích học sinh học và đạt chứng chỉ quốc tế.
“Trong tuyển sinh vào lớp 6 hiện nay ở nhiều trường THCS cũng đã sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế để làm ưu tiên xét tuyển thì trong tuyển sinh vào lớp 10, ngành giáo dục TP.HCM cũng nên tính đến chuyện này. Đây là xu thế hoàn toàn tất yếu” – hiệu trưởng một trường THCS quận 5 đề xuất.
Giáo viên dạy tiếng Anh một trường THCS trên địa bàn quận Bình Thạnh cho hay, mỗi năm tỷ lệ học sinh lớp 9 của trường có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đều tăng tuy nhiên không quá nhiều, chỉ những học sinh thực sự có nhu cầu vì chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không được sử dụng trong tuyển sinh vào lớp 10.
“Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở bậc tiểu học thì khá nhiều vì đây là một trong những ưu tiên để xét tuyển vào những trường THCS có sức hút. Tuy nhiên, ở bậc THCS thì dù học sinh có nỗ lực học tiếng Anh song không nhiều em thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế do chứng chỉ này không phục vụ tuyển sinh vào lớp 10. Nếu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được trở thành một trong những ưu tiên, tính vào điểm cộng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì chất lượng dạy và học tiếng Anh ở TP.HCM còn đạt kết quả cao hơn nữa…” – giáo viên này nhìn nhận.
Yến Hoa
Bình luận (0)