Ô tô điện xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu du lịch, đô thị và vô tư lưu thông trên đường mà không hề được đăng kiểm chất lượng định kỳ
Theo quyết định trước đây của Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP Đồng Xuân (Hà Nội) được thí điểm sử dụng ô tô điện vận chuyển khách du lịch tham quan các danh thắng quanh khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm trong thời gian từ tháng 7-2010 đến tháng 7-2013. Ngay trước khi hết thời gian thí điểm để tiến hành đánh giá lại hoạt động, công ty này vừa thực hiện xong các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thêm 10 xe mới, nâng tổng số lên 30 chiếc.
Ô tô điện đang vô tư lưu thông trên đường mà không phải qua kiểm định. Ảnh: ĐỖ DU
Ngày càng nhiều
Ngay từ đầu năm 2010, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đã có văn bản nói rõ việc nhiều nước trên thế giới đang sản xuất 2 loại ô tô điện. Loại thứ nhất đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định về an toàn kỹ thuật, kiểm định chất lượng để chở khách trên đường giao thông.
Loại thứ hai được thiết kế đơn giản, chỉ phù hợp với việc chở người trong các khu vực vui chơi giải trí, khu sinh thái, sân golf, công viên… và không được phép lưu thông trên đường. Đa số xe mà Công ty CP Đồng Xuân nhập về đều thuộc loại thứ hai, không có quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và chưa có quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
“Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi được thí điểm trong thời gian 3 năm và sau đó đánh giá lại hoạt động. Từng ấy thời gian, ô tô điện chưa gây ra bất kỳ vụ tai nạn giao thông nào” – ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân, nói.
Tháng 6-2011, UBND TP Hà Nội tiếp tục cho phép Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Hồ Tây triển khai thí điểm dự án du lịch văn hóa, lịch sử bằng ô tô điện. 20 xe điện đã được nhập khẩu về để phục vụ việc chở khách trên quãng đường khoảng 19 km quanh hồ Tây.
Ngoài ra, một loạt các khu du lịch, cửa khẩu ở Nha Trang (Khánh Hòa), Lào Cai, Lạng Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu… đang xuất hiện ngày càng nhiều ô tô điện chở khách du lịch mà không phải đăng ký, đăng kiểm định kỳ.
Xe điện lưu thông trên phố Hà Nội không đảm bảo an toàn cho du khách. Ảnh: ĐỖ DU
Rất nguy hiểm
Ông Đỗ Xuân Thủy cho biết trong xu thế phát triển kinh tế – xã hội, ô tô điện chắc chắn sẽ được sử dụng rộng rãi. Vì thế, sau thời gian thí điểm, doanh nghiệp này sẽ kiến nghị UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT xem xét bổ sung quy định để ô tô điện được hoạt động một cách hợp pháp.
Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến giờ vẫn chưa có chủ trương xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về kiểm định ô tô điện. Loại ô tô điện mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu về có cấu tạo không bảo đảm các tiêu chuẩn để tham gia giao thông công cộng, chung làn xe với các loại phương tiện khác. Do không có hệ thống cửa đóng kín nên nếu bị va chạm mạnh, những người ngồi trên ô tô điện có thể bị văng ra đường, rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết ngay cả nước cung cấp gần như toàn bộ ô tô điện đang lưu hành ở Việt Nam là Trung Quốc cũng không cho phép loại xe này lưu thông trên đường. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ không cho phép nhưng không thể hiểu nổi việc ô tô điện đang vô tư hoạt động ở khắp từ Bắc tới Nam mà không bị xử lý. “Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để chấn chỉnh lại hoạt động của phương tiện này” – ông Thanh nói.
Gắn mác “thí điểm” nên khó xử phạt
Đại diện Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) – Bộ Công an cho rằng đã là phương tiện giao thông cơ giới lưu thông trên đường thì phải được đăng kiểm, đăng ký cấp biển số, giấy phép. Ô tô điện đang lưu thông hiện nay không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, không được đăng ký, cấp biển số nên theo đúng quy định của pháp luật là vi phạm và có thể bị CSGT xử phạt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, do được gắn mác “thí điểm” nên gần như CSGT ở Hà Nội rất khó “đụng” tới loại phương tiện không được kiểm định độ an toàn này.
Theo NLĐ
Bình luận (0)