Để đáp ứng yêu cầu sản xuất dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp ở TP.Đà Nẵng có thông báo tuyển lao động. Các vị trí công việc chủ yếu dành cho lao động phổ thông với mức lương từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp không ít khó khăn…
Mặc dù tổ chức nhiều phiên kết nối việc làm nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tuyển đủ nguồn lao động phổ thông
Tháng 10 vừa qua, Công ty cổ phần Thương mại và Thủy sản Thuận Phước (Khu công nghiệp dịch vụ và Thủy sản Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) thông báo tuyển dụng 500 lao động phổ thông, làm việc thời vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tuyển đủ số lượng.
Bà Dương Thị Tuyết Hằng – Phó Tổng Giám đốc công ty – cho biết, các vị trí tuyển dụng gồm kế toán, cơ điện, vận hành… dịp cuối năm với mức lương dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng.
Cũng theo bà Hằng, lao động phổ thông ở TP.Đà Nẵng nhảy việc khá nhiều, ít gắn bó với công ty tạo nên sự biến động lớn. Để giữ chân người lao động, phía công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên việc giữ chân một số công nhân rất khó. Công ty phải thường xuyên tuyển mới qua các sàn giao dịch việc làm, đưa thông tin tuyển dụng đến các tổ dân phố, các phường… để người lao động có thể tiếp cận được nhanh nhất.
Những ngày qua, Công ty may mặc Cortex Việt Nam (Khu công nghiệp Liên Chiểu, Q.Liên Chiểu) cũng dán thông báo tuyển khoảng 50 lao động ở các vị trí thợ may, thợ ủi… với mức lương hấp dẫn, có tăng ca và các chế độ thưởng, bảo hiểm khác đi kèm.
Trang Facebook Lao động phổ thông Quảng Nam – Đà Nẵng những tháng cuối năm có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng lao động. Các vị trí việc làm chủ yếu dành cho lao động phổ thông với những ngành nghề dịch vụ hàng hóa, may mặc, bảo vệ, bốc xếp vận tải, lắp ráp linh kiện điện tử…
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP.Đà Nẵng cho biết, chỉ trong tháng 10, trung tâm đã tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm định kỳ, trong đó có 2 phiên kết hợp hình thức trực tuyến phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong tháng 10 đạt 7.700 lao động với tổng số doanh nghiệp tham gia tuyển dụng là 136 doanh nghiệp. So với tháng trước, số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tại sàn tăng 6,3% và nhu cầu tuyển dụng tăng 2.325 lao động (tăng 43,3%). Nhu cầu tuyển dụng trong tháng đối với nhóm lao động đã qua đào tạo đạt 4.037 lao động (tương đương 52,4% tổng nhu cầu tuyển dụng). Trong đó, yêu cầu từ trình độ đại học trở lên là 1.409 lao động (tương đương 18,3%), cao đẳng là 309 (tương đương 4%), trung cấp là 441 (tương đương 5,7%), sơ cấp là 428 (tương đương 5,6%) và công nhân kỹ thuật không bằng là 1.450 (tương đương 18,8%). Còn lại là nhóm lao động chưa qua đào tạo với 3.663 lao động, tương đương 54,7% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Tổng số lao động có nhu cầu đăng ký tìm việc, tham gia ứng tuyển tại sàn trong tháng 10-2023 là 325 lao động, giảm 23 lao động (giảm 6,6%) so với tháng trước. Trong đó, nhóm lao động qua đào tạo có 175 lao động (chiếm 53,8%) với 100 lao động trình độ đại học trở lên (chiếm 30,8%), 35 lao động trình độ cao đẳng (chiếm 10,8%), 12 lao động trình độ trung cấp (chiếm 3,7%), 17 lao động trình độ sơ cấp (chiếm 5,2%) và 11 công nhân kỹ thuật không bằng (chiếm 3,4%). Còn lại là lao động chưa qua đào tạo với 150 lao động (chiếm 46,2%).
Riêng tháng 11-2023, nhu cầu tuyển dụng khoảng 7.300 lao động, tập trung vào các nhóm ngành kinh tế có nhu cầu tuyển dụng cao như công nghiệp chế biến; may mặc; bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; sản xuất dây, cáp điện và điện tử khác; sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất các cấu kiện kim loại…
Cuối năm, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông để đáp ứng sản xuất
Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng số lượng tuyển được khá ít. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp cần tới 24.000 lao động, trong khi đó chỉ tuyển được khoảng 4.000 người. Một trong các nguyên nhân khó tuyển đủ lao động là do người trẻ thích nhảy việc, không gắn bó lâu dài. Các doanh nghiệp mặc dù có các chính sách, chế độ đãi ngộ thu hút lao động nhưng chưa thật sự hấp dẫn.
Ông Nguyễn Thanh Diệp – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội – thông tin, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, mời gọi các doanh nghiệp tham gia để tạo cầu nối giữa người lao động và các doanh nghiệp, từ đó giúp người lao động có được việc làm như mong muốn, còn doanh nghiệp cũng tìm kiếm được nguồn lao động đáp ứng nhu cầu.
Hàn Giang
Bình luận (0)