Mặc dù lãi suất vay tại các ngân hàng, công ty tài chính thấp nhưng rất khó vay. Đòi hỏi người vay phải chứng minh được khả năng trả nợ, hoặc có tài sản thế chấp. Trong khi đó, vay “nóng” rất dễ dàng, chỉ cần chụp thẻ căn cước công dân gửi đi là tiền đã về tài khoản. Chính vì vậy mà dù lãi suất “cắt cổ” nhưng tín dụng đen (TDĐ) mãi vẫn “sống”. Vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước là song song với việc “xóa sổ” TDĐ phải đảm bảo người dân, nhất là những người lao động thu nhập thấp vay được tiền khi có nhu cầu…
Thủ tục vay quá dễ dàng nên dù lãi vay “cắt cổ”, tín dụng đen vẫn có “đất sống”
Nhiều hệ lụy từ tín dụng đen
Thượng tá Lê Vinh Tùng – Phó phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an – cho biết, bản chất của TDĐ là cho vay lãi cao, trái quy định pháp luật, kéo theo hệ lụy rất lớn. Đơn cử, lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu người dân, doanh nghiệp vay vốn tăng cao, các đối tượng gia tăng hoạt động cho vay lãi nặng, kèm theo đó là sự gia tăng của một số loại tội phạm liên quan đến TDĐ như giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức đòi nợ trái pháp luật… gây bức xúc dư luận.
Trong năm qua, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụ/944 bị can, xử phạt hành chính 305 vụ/396 đối tượng; trong đó khởi tố 485 vụ/772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ/108 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản…
Cục Cảnh sát hình sự cũng đã phối hợp với nhiều địa phương để đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội với phương thức thủ đoạn mới, hoạt động núp bóng doanh nghiệp, đan xen nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn… Trong đó đã triệt phá hai chuyên án các đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động TDĐ.
Qua đấu tranh tội phạm TDĐ, cơ quan công an còn phát hiện các đối tượng người Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1.000%/năm.
Đặc biệt, gần đây cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
“Lợi dụng việc cơ quan công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản, hiện nay đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống… và cố tình “chây ỳ” không trả nợ. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm kín còn đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống”, Thượng tá Tùng thông tin.
Ông Marcin Figlus – Giám đốc Khối quản trị rủi ro Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC – cho biết, công ty từng gặp không ít khách hàng “bùng nợ”. Trong khi cơ chế thu hồi nợ với những trường hợp này không còn hiệu quả, nhân viên thu hồi nợ bị tấn công bởi chính khách hàng vay.
Cần có trần lãi suất cho vay
Hoạt động tín dụng tiêu dùng giữ vai trò quan trọng, không chỉ giúp người dân có điều kiện để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn có những đóng góp nhất định đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, ở góc độ vĩ mô, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đã và đang là một giải pháp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, gồm tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư…
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM – cho biết: “Hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP đã và đang đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và TP nói riêng. Vì vậy cần tiếp tục phát huy, gắn với sự sáng tạo trong phát triển dịch vụ tín dụng tiêu dùng và việc chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay, sử dụng vốn vay”.
Để xóa TDĐ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, TS. Lê Thị Hoàng Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) – kiến nghị, cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ.
Nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15% Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay. Ngoài chịu ảnh hưởng do kinh tế khó khăn, người lao động bị giảm thu nhập, một nguyên nhân chính khiến dư nợ vay tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm nghiêm trọng là do nạn “bùng nợ”. |
Cụ thể, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy tại Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm; Ấn Độ, lãi vay tiêu dùng dao động trong khoảng 12-48%/năm; Brazil là 30-70%; Mỹ, khoảng 8-36%/năm; Trung Quốc, từ 10-40%/năm.
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn – giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, ĐH Fulbright Việt Nam, nước ta có hệ thống tài chính tương đối phát triển với hàng ngàn tổ chức, đầy đủ các cấu phần, bao phủ nhưng TDĐ vẫn hoành hành là vấn đề cần có giải pháp giải quyết đồng bộ, căn cơ, hiệu quả. Bởi thực tế, thủ tục vay TDĐ quá dễ dàng, không cần chứng minh tài chính, không cần xác định mục đích sử dụng vốn, không cần gặp mặt, người có nhu cầu chỉ cần chụp hình gửi Zalo hoặc chỉ cần căn cước, truy cập mạng xã hội là vay được.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cũng cho rằng, tín dụng chính thống và TDĐ có sự khác biệt rất nhiều. Phải đánh giá tính tích cực, tiêu cực của 2 loại tín dụng này. Xóa TDĐ không phải là tìm đối tượng cho vay để xóa mà cần truyền thông về các tín dụng chính thống đến người dân; các chương trình tài chính cho vay, hình thức cho vay cần linh hoạt, dễ dàng… để khi có nhu cầu người dân sẽ tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống. Lúc đó, các TDĐ sẽ hết “đất sống”, sẽ bị xóa sổ.
Thượng tá Tùng cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong những lĩnh vực của ngành ngân hàng dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động TDĐ như vay trực tuyến, vay ngang hàng, trung gian thanh toán, ví điện tử, đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính… Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền nên xem xét sửa đổi các quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự (tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính.
Minh Phương
Bình luận (0)