Khẩu hiệu là một phần không thể thiếu trong không gian học đường. Theo đó, khẩu hiệu trong nhà trường có tác dụng quan trọng trong việc định hướng chủ trương, đường lối, triết lý giáo dục của ngành giáo dục từ tầm vĩ mô của quốc gia đến việc hình thành nhân cách, kỹ năng sống, đạo đức, hành vi của từng học sinh.
Câu khẩu hiệu “Học, học nữa, học mãi” luôn sử dụng trong trường từ trước đến nay (ảnh minh họa). Ảnh: N.T
Thiết kế khẩu hiệu trong không gian học đường là nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo nhà trường.
Việc dùng khẩu hiệu còn nhiều bất cập
Quan sát việc sử dụng khẩu hiệu của nhiều trường từ mầm non đến đại học hiện nay, có thể thấy một thực tế là nhiều trường rất ít khẩu hiệu (nhiều nhất là trường tư thục), ngược lại có trường dày đặc các khẩu hiệu từ cổng vào đến tận… căng tin. Có trường sử dụng các khẩu hiệu xa xưa, quen thuộc trong cách giáo huấn của dân gian, mang đậm triết lý giáo dục phương Đông như: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Tôn sư trọng đạo”… Cũng có nhiều trường có tư tưởng cấp tiến, chú trọng các khẩu hiệu hướng đến sự hội nhập toàn cầu, với quan điểm “tiên tiến và đậm đà tính dân tộc” trong việc “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Một trong những khẩu hiệu có tính chiến lược hiện nay mà hầu hết các trường sử dụng là mục đích học tập mà UNESCO đề xướng: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để khẳng định mình.
Một số câu khẩu hiệu trong trường học hiện nay (ảnh minh họa). Ảnh: Y.H
Những chân lý giáo dục hay của Thân Nhân Trung (“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia…”) hay Lê Quý Đôn (“… Phi trí bất hưng”) đáng lẽ nên dùng trong các trường chuyên nhưng tiếc là ít thấy hiện nay. Một số trường ít “chịu” thay đổi khẩu hiệu, cứ dùng đi dùng lại những khẩu hiệu đã trở nên quá quen thuộc từ mấy chục năm nay. Điều này khó kích thích sự tò mò, học hỏi cái mới cho học sinh trong trường.
Cách đây chưa lâu, GS.TS Trần Ngọc Thêm đã nêu quan niệm về việc không nên dùng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong trường học. Nhiều ý kiến không đồng tình với ông vì cho rằng việc giáo dục đạo đức, lễ nghĩa bao giờ cũng cần kíp. Tuy nhiên phần nào đó cũng có thể chấp nhận cho ý kiến đề xuất này, vì khẩu hiệu này hầu hết mọi người đều biết, đều nhớ. Nên không cần thiết phải treo. Mà thay bằng các câu nói, khẩu hiệu mới mẻ hơn, phù hợp xu thế giáo dục hội nhập toàn cầu. Trong lớp học của một số trường tiểu học có học môn tiếng Anh tăng cường, chúng tôi thấy có những khẩu hiệu rất thiết thực, được viết bằng tiếng Anh. Cách này vừa giáo dục đạo đức vừa là phương tiện ghi nhớ thêm về kiến thức tiếng Anh cho học sinh. Nhưng tiếc là một số mẫu câu quá đơn giản, giáo viên cũng cần thay đổi thường xuyên, chứ không nên treo từ năm này sang năm khác.
Một số tiêu chí lựa chọn khẩu hiệu trong nhà trường
Trong phụ lục 2 của Công văn số 282/BGDĐT-CTHSSV về đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong trường học, ngày 25 tháng 1 năm 2017, thì việc sử dụng khẩu hiệu trong trường học phải phù hợp với từng cấp học. Văn bản nêu trên cũng đưa ra nhiều gợi ý về khẩu hiệu để các trường lựa chọn nhưng không thấy có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lý do rất dễ hiểu là, khẩu hiệu trên đã quá quen thuộc, sử dụng rất nhiều trong nhà trường từ trước đến nay. Điều này khiến nhiều người cho rằng đưa khẩu hiệu này vào nhà trường hiện nay là không còn cần thiết. Tuy nhiên, giá trị của nó với mục tiêu ưu tiên giáo dục nhân cách con người là vĩnh cửu. Cũng vì thế, trong xếp loại học sinh ở nhà trường, cả trong học bạ học sinh, việc xếp loại hạnh kiểm, đạo đức được đưa lên trước xếp loại học lực.
Cũng theo văn bản nêu trên, Bộ GD-ĐT không quy định cứng nhắc, bắt buộc các đơn vị giáo dục phải sử dụng khẩu hiệu nào, mà trao quyền tự chọn cho các địa phương, các trường. Để việc sử dụng khẩu hiệu phát huy tác dụng, có ý nghĩa giáo dục, chúng tôi đề xuất thêm một số tiêu chí để sử dụng khẩu hiệu sau đây: Thứ nhất, khẩu hiệu phải phù hợp với đối tượng giáo dục (lứa tuổi, cấp học), môi trường giáo dục. Và nó cho thấy được định hướng, mục tiêu giáo dục trước mắt và lâu dài. Thứ hai, khẩu hiệu cần có sự hài hòa giữa bản sắc văn hóa dân tộc với tính tiên tiến, hiện đại trong sự hội nhập toàn cầu. Thứ ba, khẩu hiệu nên có sự rõ ràng về mục đích, ý nghĩa của việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh, việc giáo dục con người; có tính khuyên răn về việc hình thành nhân cách, hình thành thái độ sống; truyền dạy kỹ năng học tập, phương pháp học tập. Thứ tư, khẩu hiệu cần ngắn gọn, súc tích. Nên hạn chế sử dụng các khẩu hiệu đã quá quen thuộc, xưa cũ. Khẩu hiệu phải có giá trị lâu dài, như triết lý giáo dục của dân tộc, những câu nói của danh nhân Việt Nam và thế giới, của tổ chức giáo dục toàn cầu. Thứ năm, không gian treo khẩu hiệu (như trước cổng trường, hành lang, trong phòng học…) phải phù hợp đối tượng người dạy và người học, nên chú ý đến nội dung. Hạn chế treo khẩu hiệu tràn lan trong không gian học đường, vì dễ phản tác dụng, tốn kém. Thứ sáu, cũng nên thay đổi khẩu hiệu khi thấy cần thiết để phù hợp với định hướng giáo dục từng giai đoạn.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)