Hiện có nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG (bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững) đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được thực hiện hiệu quả để những doanh nghiệp này phát triển bền vững
Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất
Chung tay chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Unilever đã bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch khỏi các hoạt động của chính mình và chuyển sang năng lượng tái tạo.
Bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc đối ngoại phát triển bền vững Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam – chia sẻ, phát thải trực tiếp của Unilever chỉ chiếm 2%. Để đạt được tỷ lệ này, công ty sử dụng điện tái tạo, điều chỉnh chi tiêu vốn, giảm thức ăn thừa. Ngoài ra, Unilever còn tích hợp lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong các vật liệu, không sử dụng nguồn nguyên vật liệu có thể gây phá rừng. Các nhãn hàng cũng không đứng ngoài cuộc, phải giảm 60% giảm phát thải. Unilever cũng có chiến lược cắt giảm nhựa nguyên sinh trong việc sử dụng bao bì bằng cách sử dụng nhựa tái sinh, hướng đến 2025 tất cả bao bì có thể tái chế.
“Hiện tại so với mục tiêu, công ty đã cắt giảm được 52% nhựa nguyên sinh trong bao bì sử dụng tái chế, thu gom và tái chế được 20.000 tấn rác thải nhựa trong vòng 2 năm qua. Unilever sẽ cố gắng đạt Net Zero bằng 0 vào 2039, hướng đến sản phẩm xanh sạch bền vững với môi trường”, bà Nhi cho biết.
“Không có doanh nghiệp nào phát triển tốt, thịnh vượng trong điều kiện biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, chiến tranh. Tất cả đều cần môi trường xanh sạch, phát triển hài hòa. Những công ty nhỏ phải vật lộn doanh thu hàng ngày thì thực hiện ESG rất tốn kém. Tuy nhiên, hướng đến nền kinh tế xanh có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, xuất phát từ những hoạt động hàng ngày. Chẳng hạn, quán nước đưa ra chính sách giảm giá cho người mang bình nước ở nhà đi để đựng, hay việc sử dụng túi ni-lông phân hủy đã là ESG. Đừng nghĩ ESG là thứ to lớn…”, bà Nhi nói.
Phát triển kinh tế xanh bắt đầu từ những việc nhỏ nhất
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền – cho biết, cam kết của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là đến năm 2030 trung hòa phát thải carbon, zero chất thải vào năm 2024, tiến tới sử dụng 100% năng lượng xanh vào năm 2030. Theo đó, các tiêu chí đáp ứng khu công nghiệp dựa trên tất cả các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định; các dịch vụ kho bãi, logistics, hải quan, đầu tư sản xuất, hậu cần, kinh doanh. Đồng thời là hoạt động giám sát dòng nguyên vật liệu, hóa chất, năng lượng, dòng chất thải, sản phẩm phụ. Ngoài ra, khu công nghiệp còn chú trọng phát triển không gian xanh, giao thông, các khu kỹ thuật, hạ tầng xã hội dùng chung đạt 25% trong quy hoạch xây dựng.
Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động giao thương quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các công ty đại chúng niêm yết tại sàn chứng khoán Việt Nam. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến các hoạt động mang tính bền vững, trong đó có việc áp dụng các tiêu chí ESG: môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Trâm Anh – Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) – cho biết, mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam hướng đến môi trường, xã hội, kinh tế. Và doanh nghiệp là một đối tác quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững thông qua những hoạt động cốt lõi.
Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, bên cạnh khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường thì cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững.
Định hướng phát triển xanh và bền vững tại TP.HCM, ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – nhấn mạnh, thực hiện kinh tế xanh cần lấy con người làm trung tâm; dựa trên các xu hướng và tiêu chuẩn, tiêu chí trong khu vực và thế giới; tương thích với chính sách quốc gia và phù hợp với thực tiễn; phối hợp với các nguồn lực công – tư, tổ chức khoa học công nghệ, cộng đồng quốc tế.
Với mục tiêu chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế TP.HCM theo hướng xanh, bền vững, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, đòi hỏi hành động tập thể, nhất quán, có tầm nhìn, chiến lược và lộ trình hiệu quả để chuyển đổi dần dần và hạn chế các cú sốc về kinh tế – xã hội. Cần nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi xanh với sự phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện đời sống người dân của TP. Đồng thời, tích hợp chiến lược chuyển đổi xanh của TP vào các khung chính sách – luật pháp quốc gia, các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của TP.
Theo ông An, một số nội dung đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh bao gồm tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế; an ninh và bền vững về năng lượng; xanh hóa các ngành kinh tế; nguồn vốn xanh; nhân lực xanh. Trong đó, về tìm kiếm động lực thì các doanh nghiệp cần liên kết chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, xây dựng các tiêu chuẩn xanh rõ ràng, kết hợp phát triển kinh tế số. Về nhân lực, cần liên kết các viện, trường, tổ chức quốc tế trong đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng xanh cho từng ngành…
Phú Cát
Bình luận (0)