Ngay trong chiều 28-6, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đã có thông tin báo chí và các cơ quan chức năng về kết quả xác minh ban đầu vụ lọt đề thi môn ngữ văn.
Thí sinh đến điểm thi nghe sinh hoạt quy chế thi trong ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Ngọc Tuấn
Theo đó, Cục An ninh chính trị nội bộ đã xác định, vào sáng 28-6, khi thi môn ngữ văn, một thí sinh thuộc Hội đồng thi của tỉnh Cao Bằng đã dùng điện thoại iPhone 11 chụp ảnh đề thi sau khi phát đề khoảng 20 phút và gửi cho người thân để nhờ giải bài giúp. Hình ảnh đề thi môn ngữ văn sau đó được đăng tải và bị lan truyền trên các trang mạng xã hội. Về thông tin lọt đề môn toán vào chiều 28-6, Cục An ninh chính trị nội bộ cho hay, thí sinh đến từ Hội đồng thi tỉnh Yên Bái chụp ảnh đề gửi ra ngoài, cũng chỉ sau khoảng 15 phút…
Hai vụ lọt đề thi tuy không gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng thực sự rất đáng tiếc. Trước hết là tiếc cho các thí sinh, bởi các em sẽ bị xử lý theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Dù hậu quả như thế nào thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay coi như đã “đóng cửa” với các em, cơ hội vào đại học cũng khép lại, nếu muốn tiếp tục việc học thì phải mất thêm một năm nữa. Với một số người, một năm đó không phải là thời gian ngắn, vì có thể làm được rất nhiều việc. Điều đáng tiếc nữa là với các giám thị, với hội đồng thi các địa phương này. Bất kể có hậu quả xảy ra như thế nào thì việc giám thị để cho thí sinh mang điện thoại vào phòng thi và còn chụp được hình ảnh để gửi ra ngoài là rất không hay. Có thể những người có liên quan sẽ chịu một hình thức phê bình hay nhắc nhở (thậm chí là kỷ luật) và điều đó sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, uy tín của họ và cơ quan họ đang công tác. Còn các hội đồng thi cũng phải thực hiện việc kiểm điểm, giải trình về việc tổ chức bảo đảm an toàn phòng thi của mình. Đương nhiên, ngành giáo dục cũng ít nhiều bị ảnh hưởng về mặt uy tín, dẫu rằng vụ việc này sẽ để lại những kinh nghiệm cho công tác tổ chức kỳ thi các năm sau.
Điều rất đáng nói là vụ việc này thêm một lần nữa đặt ra vấn đề về tính trung thực trong thi cử nói riêng và trong đời sống nói chung. Hầu hết các bậc cha mẹ hay người lớn trong gia đình đều dạy con em mình là phải trung thực và xem đó là một trong những đức tính rất quan trọng để trẻ thành người. Thế nhưng, hiện tượng thiếu trung thực thì lại diễn ra ở rất nhiều nơi, với nhiều hình thức, nhiều cung bậc khác nhau. Đặc biệt, sự trung thực trong nhà trường, trong hoạt động giáo dục cũng có nhiều điều rất đáng nói. Chẳng hạn, các hành vi gian lận trong thi cử, kiểm tra, làm bài tập dường như không phải hiện tượng cá biệt trong trường học. Có rất nhiều học sinh, sinh viên xem việc quay cóp (bằng nhiều hình thức) là điều bình thường, tự nhiên và không có gì phải băn khoăn về mặt tư cách, đạo đức. Có khi, các giáo viên tham gia các hoạt động có liên quan đến thi cử cũng thiếu trung thực như tìm cách gian lận hoặc “tranh thủ giám khảo” khi thi giáo viên dạy giỏi, tổ chức “sắp đặt” quá kỹ khi có cấp trên dự giờ hay thực hành tiết dạy mẫu trong phần thi giáo viên dạy giỏi, biến buổi dạy thành một màn diễn kịch của cả thầy và trò… Đó là chưa kể việc sửa điểm, làm mới học bạ… vì các dụng ý cá nhân, dù có vụ lợi thiếu trong sáng hay không, cũng là hình thức không trung thực cần phải triệt để khắc phục. Bên cạnh đó, hiện tượng chạy theo thành tích trong hoạt động giảng dạy và các hoạt động khác có liên quan cũng là một biểu hiện thiếu trung thực. Ra đề dễ, chấm bài nương tay, sửa chữa các báo cáo, nâng các tỷ lệ để có con số đẹp, không dám cho học sinh lưu ban… là các cách thức mà những người chạy theo thành tích hay làm. Việc làm này không chỉ tạo ra tình trạng “lạm phát” trong khen thưởng mà còn góp phần tạo nên các giá trị ảo trong giáo dục. Suy cho cùng, tất cả những điều đó ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, cả về mặt kiến thức lẫn đạo đức, ở tất cả các bậc học. Đương nhiên, sự thiếu trung thực của nhà trường rất đáng trách nhưng có lẽ nên trách nhiều hơn đối với chính gia đình các học sinh. Để con em mình có thành tích học tập cao, vượt hơn năng lực thực sự của các em, bằng những cách không phù hợp, chính là sự không trung thực. Điều đó trái với chính lời dạy của mình đối với con em, là tự gây mâu thuẫn giữa lời dạy và hành động, từ đó chẳng khác nào nói: “Thôi, con không cần trung thực nữa”. Tức là, hành động tiếp tay cho con em gian dối trong thi cử đã phủ nhận không chỉ các lời dạy trước đó mà còn ngầm cho trẻ hiểu rằng các em có thể bỏ qua việc rèn luyện tính trung thực.
Sự thiếu trung thực trong thi cử nói riêng, trong các hoạt động nói chung ít nhiều sẽ tác động đến việc “ra đời” thế hệ những người thiếu trung thực, thậm chí là gian dối trong các hoạt động. Đơn giản có thể là nói quá về chất lượng sản phẩm, hàng hóa… trong hoạt động thương mại; là nói mà không đi đôi với làm, không giữ chữ tín trong các sinh hoạt… giữa các cá nhân với nhau trong hoạt động thường ngày. Nghiêm trọng hơn là khi người nắm quyền lực, có chức vụ, có trách nhiệm… mà thiếu trung thực thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, của đơn vị, gây ra những hệ lụy xấu cho người dân và các đối tượng thuộc quyền quản lý. Nghiêm trọng hơn nữa là hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về nhận thức, đạo đức, lối sống… làm thiệt hại về tài sản, uy tín cho hệ thống chính trị, gây nguy hiểm cho Nhà nước, cho chế độ… Tất cả những điều này đều có liên quan trực tiếp đến sự thiếu trung thực từ trong hoạt động giáo dục. Đương nhiên, ở đây cần chú ý hệ quả tất yếu của sự thiếu trung thực trong thi cử nói riêng, trong các hoạt động giáo dục nói chung tác động đến việc thiếu ý thức rèn luyện tính trung thực, dần hình thành thói quen dối trá, hành vi gian dối. Bởi khi sự thiếu trung thực lặp đi lặp lại nhiều lần, bằng nhiều hình thức thì trở thành một yếu tố thuộc về nhận thức và từ đó sẽ thúc đẩy hành động, như điều mà nhiều người đã đúc kết: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”.
Trở lại hai vụ lọt đề thi ở trên, thay vì động viên, tạo điều kiện cho con em có thể ôn tập thật tốt, từ đó có kết quả tích cực thì gia đình lại tổ chức cho con em mình gian lận, đó là điều rất đáng trách. Có thể việc bị phát hiện là không may, vì ý đồ của họ cuối cùng không đạt được, nhưng nhìn sâu xa, đó có thể là điều rất may, bởi giúp cho họ “tỉnh ra” để nhận thấy rằng, việc gian dối sẽ không thể có kết quả tốt đẹp, cũng như giúp họ tránh trượt dài trên con đường không trung thực.
Do vậy, gia đình và nhà trường cần phải thực sự tránh thúc đẩy con em hay học sinh, giáo viên của mình đi vào những giải pháp không trung thực. Bởi điều đó có thể sẽ hủy hoại các cá nhân và cả xã hội!
Trúc Giang
Bình luận (0)