Giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ chính trị quan trọng được cả hệ thống chính trị cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến quận, huyện quyết tâm thực hiện. Với nhiều cách làm hay, hiệu quả, đúng đối tượng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TP.HCM ngày càng giảm, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Bài 1: Vay vốn để đầu tư con chữ
Với sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, nhiều hộ dân đã tiếp cận được nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo của TP. Với quyết tâm thoát nghèo, nhiều gia đình đã sử dụng nguồn vốn vay một cách có hiệu quả, từ đó từng bước thoát nghèo, đời sống được nâng lên.
Đại gia đình bà Nguyễn Thị Bế
Thoát nghèo nhờ trồng rau VietGAP
Bật công tắc lên, hệ thống tưới nước tự động cứ thế quay tròn, phun đều đến từng cây rau, ông Lại Văn Phong (ngụ tại khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12) để đó thong thả vào tiếp chuyện chúng tôi.
“Tôi từng dành riêng một nhân công chỉ để xách nước tưới rau – Một ngày 3 lần, mỗi lần 2 tiếng. Giờ có hệ thống tự động, chỉ cần bật công tắc, tốn 10 phút mỗi lần tưới, tổng cộng 3 lần chỉ 30 phút là tưới hết cả vườn. Hôm nào bận, tôi để chế độ hẹn giờ tưới, không phải lo lắng rau thiếu nước”, ông Phong cho biết.
Hệ thống tưới nước tự động này được gia đình ông Phong đầu tư nhờ các khoản vay vốn xóa đói giảm nghèo của TP.
Từ năm 2017 trở về trước, gia đình ông Phong thuộc diện hộ nghèo của địa phương, cuộc sống gia đình luôn bấp bênh với thu nhập chính từ việc trồng rau truyền thống, đầu ra bán tại các chợ. Năm 2017, với sự hỗ trợ của hội cựu chiến binh, hội nông dân nên gia đình ông được tiếp cận nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của phường và vốn hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Số tiền được vay ban đầu là 100 triệu đồng. Theo đó gia đình ông mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà màn, máy cày, máy xới, máy phun thuốc, tưới tự động, kho lạnh bảo quản… để phục vụ sản xuất rau an toàn VietGAP.
Hệ thống trang thiết bị đã giúp gia đình ông Phong đảm bảo các khâu chăm sóc rau từ cải tạo đất, gieo trồng, ánh sáng, độ ẩm, tránh sâu bọ, bảo quản mà không tốn nhiều công sức, chi phí. Theo đó, năng suất vườn rau tăng lên, đáp ứng nguồn cung dồi dào cho hệ thống các siêu thị trên địa bàn TP.
“Trước đây gia đình tôi cứ loay hoay “lấy công làm lãi”, sức người bỏ ra rất nhiều, làm ngày làm đêm nhưng tiền thu vào chỉ đủ bù chi. Nhiều khâu chăm sóc cũng không đảm bảo tiêu chuẩn. May mắn có nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp nên gia đình tôi có tiền đầu tư máy móc, thiết bị vừa đảm bảo kỹ thuật chăm sóc, vừa tiết kiệm thời gian, công sức”, ông Phong nói.
Với diện tích canh tác trên 4.000m2, hiện tại thu nhập bình quân hàng tháng của gia đình ông sau khi trừ các chi phí còn vài chục triệu đồng – số tiền mà trước đây có nằm mơ ông cũng không dám mơ. Thu nhập tăng, gia đình ông thoát nghèo, lại có của ăn, của để.
“Nhân sự” trồng và thu hoạch rau, ngoài hai vợ chồng, ông Phong còn thuê thêm 2 lao động chính và 5 lao động thời vụ. Qua đó ông đã trực tiếp tạo việc làm cho những người khó khăn…
Biết vươn lên thoát nghèo bền vững, giúp đỡ người nghèo thoát nghèo nên ông Phong được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của quận 12 và TP.HCM. Mới đây, ông được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc khi được công nhận có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp TP.
Hiện tại, ngoài việc chăm sóc vườn rau, ông Phong còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cho các hội viên trong tổ hợp tác xã của phường.
“Tôi chỉ mong kinh nghiệm của mình hỗ trợ phần nào cho các hộ dân trồng rau, cùng nhau làm giàu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương”, ông Phong nói.
Thoát nghèo bằng con đường đến trường
Nhìn ngôi nhà khang trang gần đầu đường ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, ít ai biết rằng trước đây gia đình bà Nguyễn Thị Bế là một trong những hộ nghèo của xã.
Bà Bế kể, 13 năm trước, bà nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trung cấp y Phạm Ngọc Thạch của con gái Nguyễn Ngọc Bích mà mừng ít lo nhiều vì không biết lấy tiền đâu cho con đi học. Năm sau bà lại tiếp tục nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch của con trai Nguyễn Minh Tuấn, nỗi lo này càng tăng lên gấp bội. Thời điểm đó bà không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy nên thu nhập rất bấp bênh. Bởi vậy, để có tiền cho các con đến trường, bà nhận kẽm về đan lưới. Đêm đến, ba mẹ con xách xô ra ruộng móc còng về bán. Còn chồng bà làm phụ hồ.
“Cuộc sống chạy ăn từng bữa. Nhiều hôm phải hái rau muống trổ bông ngoài đồng về chấm muối ăn; bán từng ký còng để mua gạo… Ngày nào vợ chồng tôi cũng đau đáu câu hỏi lấy đâu tiền cho con học”, bà Bế chia sẻ.
Rồi nhờ giới thiệu của ấp, UBND xã, gia đình bà Bế được tạo điều kiện vay vốn học tập cho hai con từ nguồn ngân hàng chính sách xã hội. Cùng lúc, bà được vay vốn làm ăn từ Quỹ hỗ trợ giảm nghèo cũng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
“Quyết tâm lớn nhất lúc bấy giờ của vợ chồng tôi là phải cho con học tới nơi tới chốn để thoát nghèo. Tiền vay được, vợ chồng tôi “đầu tư” hết vào việc học của hai con”, bà Bế nói.
Ông Lại Văn Phong đang chăm sóc vườn rau VietGAP
Có khoản tiền hỗ trợ, gánh nặng học phí, sách vở nhẹ đi, hai con của bà Bế yên tâm học. Ra trường, hai con của bà đều có công việc, thu nhập ổn định và nhanh chóng trả hết các khoản vay trước đây.
Giờ đây, căn nhà cấp 4 cạnh bãi rác Đa Phước – nơi sinh sống của gia đình bà khi còn nghèo – đã được cho thuê. Hai vợ chồng dọn ra căn nhà mới được xây dựng từ thu nhập của hai con.
Nhìn hai con trưởng thành từ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bà Bế lại nhớ về những tháng ngày cơ hàn và không giấu được xúc động. Điều khiến bà hạnh phúc, tự hào hơn cả là mới đây con trai bà đã trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ khối u nang tử cung cho mẹ.
Bà bày tỏ: “Không chỉ tạo chỗ dựa, niềm tin cho những gia đình nghèo, chương trình cho sinh viên vay vốn học tập như chiếc phao cuối cùng cho các con tôi bám trụ trong ước mơ tiếp tục con đường học tập để thành đạt như ngày hôm nay. Gia đình tôi luôn biết ơn về điều đó”.
Hiện tại, vợ chồng bà Bế ở nhà chăm sóc cháu để các con đi làm. Ngoài ra, bà còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương. Bà là Trưởng ban công tác mặt trận ấp 2; là mạnh thường quân của xã thường xuyên tặng học bổng cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
“Hình ảnh các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng chính là hình ảnh của hai con tôi ngày trước. Số tiền hỗ trợ không nhiều, tôi chỉ mong các em bớt khó khăn, được đến trường học tập. Chỉ có con đường học tập mới mang đến tương lai tươi sáng cho các em”, bà Bế tâm niệm.
Minh Phương
Bình luận (0)