Như mạch chảy của lịch sử, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường học ở TP.HCM được xây dựng trải dài, bao trùm trong tất cả các không gian trường học, đi vào sâu trong các hoạt động giáo dục, rèn luyện của cả thầy và trò, trở thành “điểm sáng” và nét riêng biệt trong không gian trường học ở thành phố mang tên Bác.
Cô trò Trường Mầm non Thành phố cùng chăm sóc vườn hoa quanh tượng Bác Hồ
Ở mỗi bậc học, từ mầm non đến THPT, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được tái hiện sinh động, giản dị và gần gũi, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Ở mỗi địa bàn, từ trung tâm thành phố cho đến xã đảo xa xôi, thầy trò đều dành những tình cảm thiêng liêng, kính yêu nhất dành cho Bác qua việc chăm chút từng góc không gian. Từ đó, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi đơn vị…
1.Với đặc thù trẻ mầm non, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được Trường Mầm non Thành phố (Q.3) xây dựng trải dài, bao trùm khắp không gian trường học, từ phòng hội trường, phòng họp, phòng tiếp dân, sân trường cho đến lớp học, với những nét độc đáo riêng.
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đến đội ngũ. Học từ Bác, mỗi giáo viên hiểu rõ hơn về vai trò, công việc của mình, giáo dục trẻ bằng tình yêu thương, thêm gắn bó và trách nhiệm với nghề…” – cô Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ. Hoạt động lao động, trực nhật nhẹ nhàng như cắt lá, lau lá quanh khu vực tượng Bác Hồ được trẻ thực hiện một cách tự nhiên, hàng ngày, trong các giờ ra chơi, giờ học ngoài trời.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong từng lớp học được Trường Mầm non Thành phố tái hiện qua Góc bé ngoan
Tại lớp Lá 4, “phiếu bé ngoan” là một chuỗi hạt có tên trẻ, do phụ huynh, học sinh tự xâu. Mỗi buổi học, trẻ nào có những biểu hiện như ăn ngoan, chơi ngoan, ngủ giỏi, biết giúp đỡ cô và bạn… đều được cô khen thưởng bằng cách trẻ sẽ được tự mình treo tên lên bảng bé ngoan.
“Các bé rất háo hức, bé nào cũng cố gắng để được treo bảng tên. Bằng cách này, trẻ học về Bác, về 5 điều Bác dạy nhẹ nhàng, gần gũi…” – cô Nguyễn Đỗ Yên Hà – giáo viên lớp Lá 4 chia sẻ.
2. Tại Trường TH Nguyễn Thị Nuôi (huyện Hóc Môn), xuyên suốt từ đầu năm học, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được nhà trường tích hợp trong các hoạt động giáo dục, để học sinh hiểu, học và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy một cách thiết thực. “Với lứa tuổi học sinh tiểu học, học tập và làm theo Bác phải đi từ những điều gần gũi, hàng ngày, và phải được làm thường xuyên. Từ những mẩu chuyện kể, đã hình thành cho các em những đức tính tốt như trung thực, đoàn kết, tiết kiệm, bỏ rác đúng nơi quy định…” – thầy Cao Minh Hải Bằng – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Nuôi chia sẻ.
Điều đặc biệt, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường TH Nguyễn Thị Nuôi còn tác động mạnh đến đội ngũ giáo viên người nước ngoài
Thầy Rusland và cô Marina (giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại trường) thích thú khi được học sinh giới thiệu về Bác. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh giúp tôi hiểu hơn về Hồ Chí Minh, hiểu hơn về lịch sử đất nước Việt Nam. Càng hiểu tôi càng thấy khâm phục và quý mến đất nước nhỏ bé này, tự hào khi được làm việc và đóng góp một phần nhỏ tại ngôi trường này…” – cô Marina xúc động.
3. Không chỉ là nơi sinh hoạt, đọc sách của thầy cô và các em học sinh, Không gian văn hóa Trường TH Nguyễn Viết Xuân (quận Gò Vấp) còn là những giờ học ngoại khóa sinh động, gần gũi, xác thực với đời sống thường nhật của Bác của hơn 2.000 học sinh, thầy cô của trường.
Giáo viên Trường TH Nguyễn Viết Xuân (Q.Gò Vấp) đọc sách, sinh hoạt sau giờ lên lớp
Cô Đinh Thị Kim Dung trong giờ dạy về Bác từ sa bàn cho các em học sinh lớp 4/3 (TH Nguyễn Viết Xuân)
4. Với mong muốn đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, đời thường, Trường THCS Lữ Gia (Q.11) đã xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với hoạt động vui chơi của học sinh. Nơi đây trở thành điểm đến yêu thích của học sinh vào mỗi giờ ra chơi, giờ về, thậm chí là trống tiết…
Mỗi giờ ra chơi, các em học sinh đến Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để đọc các cuốn sách về lịch sử, về những anh hùng nhỏ tuổi, về Bác Hồ
5. Trong năm đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) xây dựng thành một phòng học, hỗ trợ đổi mới giáo dục nhẹ nhàng. Với đầy đủ các tư liệu lịch sử về Bác được nhà trường sưu tầm, đặt hàng, nơi đây trở thành không gian “sống” để học sinh học các tiết học về Bác, gắn trong các tiết học về văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, giáo dục địa phương… “Thay vì phải đưa học sinh đến bảo tàng để học thì ngay tại trường cũng đã có một Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ để thầy trò cùng học” – thầy Hoàng Ngọc Lữ – giáo viên lịch sử chia sẻ.
Trong giờ học tại không gian, học sinh được sử dụng điện thoại thông minh để quét các mã code tương ứng với các chủ đề tại không gian để học lịch sử, củng cố và mở rộng thêm kiến thức bài học
6. Chị Trần Huỳnh Hà Lam – Phó Bí thư Đảng ủy phường 5, ấn tượng với cách bài trí của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường THPT Phú Nhuận thực hiện. “Lứa tuổi thanh thiếu niên là học sinh THPT, được tiếp xúc với các thông tin về Bác một cách thường xuyên, phù hợp, sẽ giáo dục các em rất nhiều trong hình thành nhân cách…” – chị Lam nói.
Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) đón Đảng ủy, UBND phường 5, Q.Phú Nhuận qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
7. Là xã đảo duy nhất tại TP.HCM, xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) dù điều kiện dạy và học còn muôn vàn khó khăn song thầy trò nơi đây đã cùng nhau xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng chính “cây nhà lá vườn”, để giáo dục học sinh thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước, ra sức học hành… “Hơn 20 năm gắn bó với trường, học từ Bác tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm với học sinh, làm sao để các em thích được đến trường, bớt khó khăn…” – thầy Lê Minh Nhựt – giáo viên Trường THCS – THPT Thạnh An bày tỏ.
Tiết học lịch sử, lớp 11B11 diễn ra tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)