Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Điện thoại thông minh không có lỗi

Tạp Chí Giáo Dục

Va bưc ra khi văn phòng, ch ph huynh đã ch vào mt con mình, nói: “Đp cái đin thoi là hết hư!”. Cũng như nhiu ph huynh mà tôi tng tiếp xúc, ch cho rng chính cái đin thoi thông minh đã làm con mình hư hng. Nhưng theo tôi, li không phi cái đin thoi thông minh!


Theo tác gi, điu cn thiết hin nay là s phi hp cht ch gia gia đình và nhà trưng, đng đ hc sinh tiu hc “sa ly” khi s dng đin thoi thông minh (nh minh ha). Ảnh: Y.H

Làm công tác tư vấn tâm lý học đường ở một trường tiểu học, thời gian gần đây, tôi đã phải cùng nhà trường giải quyết những vụ việc học sinh làm theo những điều xấu từ các trang mạng xã hội.

1. “Khoe giàu”. Ở một lớp học, giáo viên chủ nhiệm phát hiện học sinh đem rất nhiều tiền khi đi học. Giáo viên dò hỏi thì được biết các em đem tiền để dành, tiền lì xì vào lớp để khoe xem bạn nào có nhiều tiền hơn. Giáo viên đã lưu ý nhắc nhở học sinh không nên mang nhiều tiền khi đi học. Thế nhưng, vài ngày sau, một học sinh nữ trong lớp mang toàn giấy 500 ngàn đồng vào lớp, rồi đi đổi tiền lẻ ở căng tin để cho bạn. Thấy sự bất thường, nhà trường đã trao đổi với học sinh, em bảo rằng đó là tiền để dành của mình. Tôi phải trò chuyện cùng em rất lâu thì em mới thú nhận đã lấy 4 triệu đồng của mẹ. Với số tiền ấy, em đã đổi ra tiền lẻ cho các bạn trong lớp và cả bạn khác lớp để các bạn thấy là mình giàu nhất lớp. Trò chuyện cùng học sinh trong lớp này, tôi được biết các em thường lên mạng xã hội xem clip của những người chuyên khoe tiền, vàng bạc và bắt chước khoe xem “Ai giàu nhất lớp?”.

2. “Phi vụ bạc triệu”. Cả trường bất ngờ khi phát hiện một số con heo đất để trên bàn giáo viên ở một số lớp đều “rỗng ruột” dù sắp đến ngày “mổ heo” để lấy tiền mua quà trong phong trào “Giúp bạn vượt khó” của Liên đội nhà trường. Điều đặc biệt là các con heo đất đều còn nguyên vẹn, không có dấu đục, khoét. Truy xét mãi, cuối cùng vài học sinh cho biết bạn H. thường nói đến “Phi vụ bạc triệu” khi xài tiền, từ đó tôi mới tìm được học sinh lấy cắp tiền. Ba học sinh lớp 5 đã nhận tội. Em H. là người trực tiếp lấy tiền và phân công hai học sinh khác canh chừng. Tiền lấy được H. chia cho hai bạn kia một ít để ăn uống, còn bao nhiêu em nạp để chơi game trên điện thoại. Tôi hỏi H. làm cách nào lấy hết tiền mà con heo đất vẫn còn nguyên. H. trả lời là học từ trên mạng. Theo đó, con heo đầy tiền thì dùng cái nhíp gắp ra, khi con heo còn ít tiền thì dùng băng keo hai mặt dán lên cây thước mỏng, tiền sẽ dính vào thước.

3. “Khoe thân”. Chuẩn bị giờ ngủ trưa bán trú, cô bảo mẫu kiểm tra thì thấy vắng ba học sinh nữ lớp 5. Các học sinh trong lớp nói ba bạn ấy đi vệ sinh nhưng khá lâu vẫn không thấy trở về lớp. Bảo mẫu xuống nhà vệ sinh kiểm tra thì bất ngờ nghe tiếng nói chuyện từ một phòng vệ sinh vọng ra. Cô lắng nghe và sửng sốt vì các em đang cởi đồ, cho xem cơ thể của nhau. Đáng tiếc, việc học sinh cho xem cơ thể của nhau cũng là do các em xem trên mạng xã hội. Các em đang ở tuổi dậy thì đã xem hình ảnh của các cô gái khoe thân trên mạng xã hội, và giờ muốn khoe với nhau thân thể của mình phát triển thế nào, ai hơn ai? Tôi phải dạy các em bài học về giới tính và giữ gìn sự riêng tư của mình cũng như tránh việc bị lạm dụng tình dục.

4. “Xem phim 18+”. Trong giờ học, hai học sinh chuyền nhau tờ giấy và nói chuyện, cười đùa. Giáo viên tịch thu tờ giấy và hết sức ngỡ ngàng bởi trên tờ giấy vẽ hình các đôi trai gái với những tư thế quan hệ tình dục. Khéo léo dò hỏi, tôi được biết từ một học sinh vô tình lướt mạng, vào trang web phim 18+ từ năm lớp 4. Tò mò xem và bị hấp dẫn những điều lạ lẫm, em đã chỉ cho hai bạn thân xem và cuối cùng 14/30 học sinh của lớp ấy đã xem. Tôi lại phải giáo dục giới tính cho những học sinh này và nói rõ cho các em thấy sự nguy hại của việc xem những trang web đen khi còn nhỏ tuổi.

5. “Mua bán thuốc lá điện tử”. Mới đây, tôi thật bất ngờ khi được thông tin T., một học sinh lớp 5 hút thuốc lá điện tử rồi quay lại gửi qua Facebook cho các bạn xem. Tôi phải làm cuộc “điều tra” và thật sự lo lắng khi biết không chỉ có T. mà có đến 6 học sinh đã hút. Điều lo ngại hơn là các em đã hùn tiền để mua thuốc hút với giá từ 80.000 đến 120.000 đồng từ bạn P., cũng là học sinh cùng lớp. Dò hỏi P., tôi được biết em kết bạn trên Facebook với một chị và chị ấy bán thuốc lá điện tử cho em. Chị nói với P. là bán được 1 ống sẽ cho em 30.000 đồng. Vậy là P. vô tư giới thiệu để bán cho các bạn kiếm tiền và hút thử cùng bạn. Tôi phải cung cấp cho các em tất cả thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử cũng như nguy cơ nghiện ma túy cao khi hút thuốc lá điện tử…

Khi tôi gặp phụ huynh có con trong các sự việc trên, tất cả phụ huynh đều tỏ ra bất ngờ và không tin con mình như thế. Các phụ huynh chỉ nghĩ con mình dùng điện thoại thông minh để chơi game, xem TikTok, Facebook… một cách bình thường. Mọi người dường như có chung một giải pháp để dạy dỗ con là la mắng và tịch thu điện thoại. Theo tôi, phụ huynh không thể cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh mà cần hướng dẫn các em cách truy cập mạng để học tập, vui chơi, thư giãn lành mạnh, tránh các trang mạng có nội dung không tốt, không phù hợp lứa tuổi. Học sinh thường sử dụng điện thoại ở nhà, vì thế gia đình chính là nơi quan trọng nhất để ngăn cản các em truy cập vào những trang mạng xấu. Theo đó, phụ huynh cần quy định thời gian sử dụng điện thoại của con nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần con mình; kiểm tra thường xuyên việc truy cập internet của con để kịp thời ngăn chặn và giáo dục con mình. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần biết con kết bạn với ai trên mạng xã hội để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo vào những việc làm xấu, đừng giao khoán con cho điện thoại.

Theo phụ lục hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch giáo dục ban hành kèm Công văn số 3799/BGDĐT-GDTH của Bộ GD-ĐT về việc thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 5 đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa được bộ ban hành ngày 1-9-2021, môn kỹ thuật ở lớp 5 được bổ sung bài “Sử dụng điện thoại”. Yêu cầu cần đạt ở bài học này là: “Trình bày được tác dụng của điện thoại; nhận biết được các bộ phận cơ bản của điện thoại; nhận biết được các biểu tượng thể hiện trạng thái và chức năng hoạt động của điện thoại. Ghi nhớ, thực hiện được cuộc gọi tới các số điện thoại của người thân và các số điện thoại khẩn cấp khi cần thiết. Sử dụng điện thoại an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với quy tắc giao tiếp”. Theo tôi, những yêu cầu này quá lạc hậu với thực tế. Học sinh hiện nay sử dụng điện thoại rất sớm, có em biết sử dụng điện thoại từ trước khi vào lớp 1. Học sinh cũng thường sử dụng điện thoại để vào các trang mạng trên internet. Vì thế, việc cần dạy học sinh là biết cách sử dụng các trang mạng xã hội một cách hữu ích và biết phòng tránh những trang độc hại cũng như tránh kết bạn xấu trên mạng. Điều nhà trường cần dạy học sinh hiện nay là những điều nên và không nên khi sử dụng internet chứ không phải là sử dụng điện thoại. Việc giảng dạy này cũng cần thực hiện sớm hơn chứ không phải chờ đến lớp 5. Đặc biệt, điều cần thiết hiện nay là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh! Đừng để học sinh tiểu học “sa lầy” khi sử dụng điện thoại thông minh.

Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)