Học sinh THPT “vô tư” chạy xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: M.N |
So với học sinh THCS, học sinh THPT (từ 16-18 tuổi) đã có những bước phát triển cao hơn về tâm lý mà nổi bật là sự hình thành thế giới quan và sự phát triển cao của ý thức.
Do trình độ nhận thức đã phát triển ở mức độ cao nên ở lứa tuổi này, học sinh đã hoàn toàn hiểu được các quy định của Luật Giao thông đường bộ, đã “đọc” được ý nghĩa của các biển báo giao thông và phân biệt được các hành vi giao thông nào là vi phạm hay không vi phạm. Nói cách khác, học sinh đã nhận thức được rõ ràng các quy định về an toàn giao thông.
Biết giữ gìn hình ảnh của bản thân
Nếu như ở bậc THCS, học sinh chủ yếu quan tâm đến những đặc điểm bên ngoài thì ở bậc THPT, các em đã hướng đến tự đánh giá những giá trị bên trong thuộc về năng lực, tính cách, đạo đức của bản thân, cũng như tự đánh giá các hành vi xã hội, trong đó có hành vi giao thông của mình. Đặc điểm tâm lý này được biểu hiện thông qua ý thức chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông, biết cách giữ gìn hình ảnh của bản thân bằng những hành vi phù hợp, đúng quy định trong cuộc sống hàng ngày cũng như khi tham gia giao thông nói riêng.
Căn cứ theo quy định của pháp luật thì học sinh THPT từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi chỉ được phép sử dụng xe đạp, xe đạp điện và xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Nếu học sinh chấp hành đúng quy định này, chỉ sử dụng các phương tiện cho phép thì các em hoàn toàn có đủ khả năng điều khiển phương tiện giao thông một cách an toàn. Trong thực tế, hình như rất hiếm khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông do xe đạp hay xe gắn máy có phân khối dưới 50cm3 do học sinh điều khiển gây ra. Có chăng, các vụ tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh là do các em sử dụng các phương tiện giao thông không đúng quy định của pháp luật.
Thế giới quan của học sinh lúc này cũng đã bắt đầu hình thành. Chúng ta có thể thấy, hầu hết học sinh đều nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông và thể hiện sự không đồng tình, thậm chí là phê phán với những hành vi vi phạm văn hóa khi tham gia giao thông. Chẳng hạn như, trước hiện tượng các nam sinh chạy xe phân khối lớn và thường nẹt pô xe tạo ra những âm thanh lớn, một bạn nữ sinh lớp 11 cho rằng: “Đó là hành vi không thể chấp nhận được. Các bạn ấy cứ nghĩ rằng chạy xe đẹp, nẹt pô ầm ĩ là để thu hút sự chú ý của các bạn nữ nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Đối với em và một số bạn nữ khác rất ghét những bạn nam như vậy”.
Hay đối với tình trạng một số em nam – nữ học sinh có những cử chỉ hết sức thân mật, riêng tư khi ngồi trên xe máy lưu thông trên đường, một nam sinh lớp 12 có suy nghĩ: “Những bạn như vậy, nhất là với các bạn nữ dường như không biết xấu hổ là gì. Yêu đương ở tuổi học trò chúng em là điều bình thường nhưng thể hiện tình yêu như thế nào thì cần phải xem lại. Không thể cứ yêu nhau là có thể biểu hiện tình cảm của mình ở mọi nơi, mọi lúc không cần để ý đến xung quanh như thế”.
Chưa chấp hành nghiêm túc
Đối lập với đại bộ phận học sinh chấp hành đúng Luật Giao thông và có những hành vi hết sức văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận nhỏ học sinh chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn giao thông và có những hành vi phi văn hóa khi tham gia giao thông. Thực tế này đòi hỏi phải tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông từ phía gia đình, cũng như nhà trường và xã hội cho học sinh.
Do tâm lý muốn khẳng định, thể hiện bản thân trước bạn bè, thay vì tập trung vào học tập thì một bộ phận học sinh lại chọn cách phô trương vẻ bề ngoài để thu hút sự chú ý của người khác. Tâm lý này khiến cho một số học sinh thích sử dụng xe gắn máy đắt tiền, song song đó, các bạn còn lạng lách, đánh võng, nẹt pô hay sử dụng những loại còi có âm thanh “khác người” cùng các kiểu đèn pha độc đáo… Trong những trường hợp như vậy, học sinh vẫn hiểu được rằng mình đang vi phạm pháp luật, nhưng do suy nghĩ và định hướng lệch lạc về việc khẳng định giá trị của bản thân nên các em sẵn sàng thực hiện.
Tâm lý của học sinh thường thích những gì mang đến cảm giác mạnh, do đó thích sử dụng các loại xe phân khối lớn hơn mức cho phép với tốc độ cao. Nguyên nhân một phần là do bản thân học sinh và sự đồng tình của phụ huynh. Nhưng mặt khác, là do việc thực thi pháp luật giao thông chưa nghiêm, chưa có những chế tài hợp lý và đủ mạnh để răn đe, xử lý các trường hợp vi phạm.
Lời kết
Xuất phát từ những đặc điểm tâm lý trên, công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh THPT đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình – nhà trường – xã hội. Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc giáo dục thông qua tập thể bởi vì ở lứa tuổi này, bạn bè đối với các em vẫn hết sức quan trọng. Hình thức giáo dục cần linh hoạt, đa dạng, có thể lồng ghép trong các buổi dã ngoại, tham quan thực tế hay tọa đàm… Điều quan trọng là phải định hướng nhân cách cho học sinh một cách đúng đắn cũng như tập trung giáo dục tình cảm, đạo đức cho các em.
Chuyên viên tâm lý Mai Mỹ Hạnh
(Trung tâm Tư vấn tâm lý Ý Tưởng Việt TP.HCM)
Bình luận (0)