Đây là ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tham dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2023.
Cùng với cả nước, TP.HCM đã phục hồi nhanh sau đại dịch. Ảnh: H.Triều
Theo Tổng Bí thư, về tổng thể 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn bất ngờ xuất hiện, tác động nhiều mặt ảnh hưởng nặng nề không chỉ trong nước mà còn đối với toàn thế giới. Tuy nhiên, nhờ có sự quyết tâm cao, sự nỗ lực, phấn đấu đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thực hiện khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ.
“Chúng ta vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy và phục hồi phát triển KT-XH, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Quỹ tiền tệ quốc tế nhận định, Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế toàn cầu”, Tổng Bí thư nói.
Cụ thể, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và đạt hơn 8%, kế hoạch đề ra là từ 6-6,5%. So với trước đây, ít có năm nào cả nước đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn 8%. So với năm 2021, thu ngân sách tăng 24%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục – 732 tỷ USD, tăng hơn 10%. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại.
Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Thực hiện kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được. Tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững. |
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ xử lý.
“Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động, tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kết lý luận và thực tiễn, xây dựng trình độ chính trị và xem xét ban hành các nghị quyết mới về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và toàn bộ 6 vùng KT-XH của cả nước. Điều này góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển vùng – một vấn đề có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, những kết quả đạt được trong năm 2022 cho chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm, bài học để vận dụng vào năm tới, làm tốt hơn năm trước. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được vì nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đặc biệt, những khó khăn thách thức mới xuất hiện từ giữa tháng 10-2022. Đó là thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến rất phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sức ép lạm phát còn lớn. Sản xuất kinh doanh ở một số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm; giải ngân chưa đạt yêu cầu…
TP.HCM thu ngân sách đóng góp 26,5% của cả nước Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, KT-XH TP phục hồi mạnh mẽ, đạt được quy mô và tốc độ như trước khi diễn ra dịch bệnh Covid-19. GRDP năm 2022 của TP tăng 9,03%; thu ngân sách đóng góp 26,5% trong tổng thu ngân sách của cả nước. Quy mô GRDP của TP năm 2022 tăng so với cuối năm 2019, điều này có thấy sự phục hồi rất tốt. Năm 2022, TP.HCM quyết liệt giải quyết những dự án đầu tư, dự án sản xuất vướng mắc kéo dài nhiều năm, từ đó khơi thông nguồn vốn, đặc biệt tạo niềm tin rất lớn cho thị trường, cho xã hội. TP.HCM cũng đầu tư tập trung, có tính chất nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong hoạt động hành chính – hướng tới xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế số. Kết quả đo lường kinh tế số của TP đóng góp 15,3% GRDP của TP. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, xã hội, đối ngoại của TP phục hồi tốt. Điều này vừa góp phần chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người dân vừa tạo niềm tin rất lớn, tạo ra năng lượng tích cực trong xã hội về khả năng phục hồi mạnh mẽ của TP, góp phần xây dựng hình ảnh của TP cũng như của đất nước sau đại dịch. |
Tổng Bí thư nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ 3, năm “bản lề” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, cần chủ động đối với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh. Phát triển kinh tế cần quán triệt sâu sắc hơn nữa, tổ chức thực hiện nghiêm, tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước để phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022”, Tổng Bí thư kỳ vọng.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)