Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiếu lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 10-11, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP cho biết, ngay khi nhận tin doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm lao động, Sở phối hợp với một sốt đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp để nghe ý kiến nhằm kịp thời tham vấn, hỗ trợ.


Quang cảnh buổi họp báo

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP cho biết, do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước châu Âu, một số doanh nghiệp gia công giày da, may mặc xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm lao động như Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân)…

Mặt khác, để ứng phó với khó khăn, một số doanh nghiệp đã sắp xếp lại thời giờ làm việc hợp lý với nhu cầu sản xuất như không tăng ca, cho người lao động nghỉ thêm thứ 7 hàng tuần… nhằm giữ chân người lao động, để có đủ nguồn nhân lực khi có các đơn hàng mới.

“Qua tổng hợp, năm 2022 có 26 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì kinh tế với 2.844 người mất việc trên tổng số 14.861 người lao động”, ông Lâm nói; đồng thời ông cho biết: “Ngay khi nhận tin doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm lao động, Sở đã cử cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP và các phòng nghiệp vụ phối hợp ngay với Phòng LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở để nghe ý kiến về các khó khăn sản xuất; tình hình sử dụng lao động; phương án giảm lao động; nguyện vọng của người lao động từ đó kịp thời tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở”.


Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP nói về tình hình lao động

Ông Lâm cũng cho biết thêm, Sở LĐ-TB&XH còn làm việc trực tiếp với các quận, huyện, TP.Thủ Đức để nắm cụ thể tình hình, chủ động nắm bắt cơ sở và có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm ổn  định tình hình lao động – việc làm, quan hệ lao động, kết nối nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu làm việc tại các địa phương.

Bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp giảm lao động thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động, Sở nhanh chóng hỗ trợ, kết nối để người lao động sớm có chỗ làm mới để ổn định đời sống thông qua việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm.

Kết nối các trung tâm dịch vụ việc làm với các tỉnh để giới thiệu việc làm cho lao động tỉnh muốn trở về quê làm việc. Kết nối với hệ thống các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm để có nhiều kênh thông tin việc làm hỗ trợ người lao động ngay khi doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm lao động.

Nói về tình hình lao động hiện nay, ông Lâm cho biết trên địa bàn TP có 248.897 doanh nghiệp đang hoạt động. Tại thời điểm tháng 10-2022 có 2.496.211 người đang làm việc, tăng 345.660 người so cùng kỳ năm 2021 và tăng 100.104 người so với 6 tháng đầu năm 2022.


Nhiều công ty may đang có nhu cầu tuyển dụng lao động

Qua nắm bắt nhanh tình hình nhu cầu tuyển dụng lao động tại 285 doanh nghiệp có từ 200 lao động trở lên cho thấy có 159/285 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lượng tuyển là 8.232 người, tập trung ở ngành dệt may, cơ khí, giao hàng, chế biến thực phẩm. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm là 43.000 lao động, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ Tết.

Trong thời gian tới, để ổn định tình hình lao động – việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP, nhất là vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp và các đoàn thể theo dõi sát tình hình. Tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải giảm lao động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Ngoài ra, giám sát việc tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động. Giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán và ổn định lao động, việc làm. Phối hợp thực hiện chương trình chăm lo Tết cho công nhân lao động theo kế hoạch chung của Liên đoàn Lao động TP…

N.Trinh

Bình luận (0)