Cùng với đó, cử tri còn nêu những mối quan tâm khác liên quan đến việc bồi dưỡng giáo viên dạy liên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy các môn tích hợp.
Phụ huynh hướng dẫn học sinh lớp 1 học tập tại nhà
Có hơn một sách giáo khoa cho mỗi môn học
Theo cử tri tỉnh Bắc Giang, việc in sách giáo khoa và chỉ đạo chương trình dạy học cho học sinh tiểu học hiện nay nhiều nội dung chưa phù hợp, lãng phí. Cụ thể, mỗi trường chọn dạy một loại sách nên khi học sinh phải chuyển trường sẽ rất khó khăn. Bài tập cho học sinh làm trực tiếp vào sách giáo khoa nên năm sau sách không sử dụng được dù vẫn mới gây lãng phí.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho hay, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội đã quy định việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Thực hiện Nghị quyết 88, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Cụ thể trong đó quy định: Nội dung sách giáo khoa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Sách giáo khoa được biên soạn để sử dụng lâu dài, nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào sách giáo khoa).
Thực hiện chủ trương trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 của 4 nhà xuất bản (NXB) (năm 2019); danh mục sách giáo khoa lớp 2 của 5 NXB (năm 2020); danh mục sách giáo khoa lớp 3 của 6 NXB (năm 2021) và hiện nay đang thẩm định sách giáo khoa lớp 4 của 6 NXB (năm 2022).
Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30-1-2020 và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ chức và hoạt động của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông để địa phương tổ chức thực hiện lựa chọn sách giáo khoa phù hợp, bảo đảm tính ổn định, sử dụng lâu dài, tiết kiệm, tránh gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh.
Các trường thực hiện đạt yêu cầu chương trình mới
Liên quan đến việc thực hiện giảng dạy các môn tích hợp bậc THCS còn nhiều khó khăn, bất cập đối với giáo viên, cử tri kiến nghị Bộ GD-ĐT triển khai kịp thời kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy liên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy các môn tích hợp. Bộ GD-ĐT cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS có môn khoa học tự nhiên (được tích hợp từ các môn vật lý, hóa học và sinh học); môn lịch sử và địa lý (được tích hợp từ các môn lịch sử, địa lý) nhằm tạo thuận lợi cho việc khai thác các nội dung dạy học cụ thể một cách toàn diện từ nhiều khía cạnh.
Chương trình môn lịch sử và địa lý bao gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và ngược lại. Chương trình môn khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm; đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Xác định đây là những môn học mới, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các trường căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Ngoài ra, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn từ nhiều năm qua (công văn số 5555, công văn số 4612) và tiếp tục được áp dụng khi dạy học theo chương trình mới. Từ chương trình hiện hành, việc khai thác các nội dung bài học ở nhiều khía cạnh theo hướng tích hợp (kiến thức địa lý trong các bài lịch sử và ngược lại; kiến thức hóa học, sinh học trong các bài vật lý và ngược lại) đã được triển khai từ nhiều năm qua.
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2019 đến nay, Bộ GD-ĐT đã triển khai biên soạn tài liệu và tập huấn cho giáo viên cốt cán cả nước. Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn khoa học tự nhiên, môn lịch sử và địa lý.
Như vậy, đối với mỗi giáo viên, việc dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn không có gì thay đổi lớn so với chương trình hiện hành. Việc thay đổi chủ yếu nằm ở kế hoạch giáo dục của nhà trường (phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu) đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn (công văn số 5512, công văn số 2613, công văn số 3699) và được các trường triển khai thực hiện. Theo bộ, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ban đầu tuy có những khó khăn do quen với việc 1 giáo viên dạy 1 môn và xếp thời khóa biểu chia đều số tiết/tuần nhưng qua một thời gian thực hiện, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, chỉ đạo và nhân rộng, đến nay cơ bản đã được các trường THCS thực hiện đáp ứng yêu cầu.
Việt Ngân
Bình luận (0)