Niềm đam mê chữ Hán và chữ Nôm từ thời trai trẻ đã trở thành kim chỉ nam soi đường dẫn lối giúp dịch giả Hoàng Bá Vy (hội viên Hội Thơ Nghệ Tĩnh tại TP.HCM) ngược dòng lịch sử văn chương, soi chiếu các giá trị cốt lõi của những tác phẩm văn học cổ nước nhà.
Bìa hai cuốn sách
Hai năm gần đây, dịch giả Hoàng Bá Vy đã ra mắt hai cuốn sách dịch Ngục trung nhật ký và Đoạn trường tân thanh, cho độc giả thấy được sức lao động bền bỉ của một con người yêu văn thơ cổ đang ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.
Từ Đoạn trường tân thanh…
Hai lần gặp dịch giả Hoàng Bá Vy tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM (Q.3), tôi may mắn được ông tặng hai cuốn sách vừa mới “ra lò”. Đã đọc hàng chục văn bản Đoạn trường tân thanh của Đại thi hào Nguyễn Du nhưng lần này cầm trên tay cuốn sách dày 332 trang tại Ngày thơ Nguyên tiêu năm Quý Mão, tôi vẫn thấy rưng rưng niềm xúc động. Xúc động không chỉ ở giá trị vô biên của tuyệt tác cụ Nguyễn Du mà còn lan tỏa ở sức lao động nghệ thuật của dịch giả họ Hoàng khi có thêm bản chữ Nôm gốc đi kèm chữ quốc ngữ của tác phẩm Truyện Kiều. Ngay ở tựa đề tác phẩm, bên cạnh bản gốc chữ Nôm và chữ quốc ngữ còn có lời dịch mới với nội dung Nỗi đau đứt ruột cất lời. Từ trước tới nay, khi nhắc đến Đoạn trường tân thanh, nhiều người nghĩ đến Tiếng kêu đứt ruột mới là cách dịch truyền thống bất di bất dịch. Thế nhưng, trước phần giới thiệu tác phẩm, dịch giả Hoàng Bá Vy đã có bài viết mang tính chất đề dẫn “Tìm về đầu đề nguyên tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du”. Nhiều câu chuyện kể lại trong bài viết ngay từ khi tác phẩm ra đời được khắc ván in ở phố Hàng Gai với tên gọi Kim Vân Kiều tân truyện, rồi Kim Vân Kiều truyện, Kim Vân Kiều, Kim Túy tình từ, Kim Vân Kiều quảng tập, Kim Vân Kiều hợp tập, Truyện Thúy Kiều…, và cuối cùng là Truyện Kiều năm 1957. Cùng với bản chữ Nôm và chữ quốc ngữ trong 130 năm đã có 20 tên khác nhau. Theo dịch giả Hoàng Bá Vy, trong nguyên tác Đoạn tràng tân thanh (hay còn gọi Đoạn trường tân thanh) là cụm từ thuần Hán đọc theo âm Nôm Việt cho đến nay nghĩa vẫn chưa được dịch về tiếng Việt. Nhìn lại cách dịch theo thời gian, Đoạn trường tân thanh có lúc được gọi là Tiếng mới của nỗi đau đứt ruột, có lúc được cắt nghĩa là Tiếng kêu đứt ruột mới. Tuy nhiên, theo cách phân tích các cụm từ: Đoạn trường, tân thanh thì dịch giả Hoàng Bá Vy cho rằng: “Đầu đề tác phẩm xin dịch là Nỗi đau đứt ruột cất lời”. Theo tác giả, dù đây là cách dịch sát nghĩa nhất nhưng dễ gì đã được đồng thuận của độc giả bởi lẽ Truyện Kiều đã in sâu trong tâm trí hàng triệu con người của bao thế hệ người Việt Nam và bạn bè thế giới gần 3/4 thế kỷ qua.
Trong tác phẩm, nhiều tư liệu được dịch giả họ Hoàng sưu tập cũng được đưa vào để tăng thêm giá trị và độ chính xác của văn bản như: Mở đầu bài tổng từ của vua Tự Đức năm 1871, câu đối của vua Tự Đức ghi ở mặt bìa cuốn Đoạn tràng tân thanh của Kiều Oánh Mậu xuất bản năm 1902. Quý hiếm hơn là tranh bìa cuốn sách Đoạn tràng tân thanh có bản khác năm 1834 do Nguyễn Thạch Giang phiên khảo của NXB Văn hóa – Thông tin. 12 chữ trên ấn báu của vua Gia Long, bia mộ Nguyễn Du ở làng Tiên Điền. Chưa hết, ông còn tổng hợp được 159 câu thơ có chữ “lời” (lời rằng, nghe lời, lời vàng, lời quê…), 18 câu có chữ “đoạn” mà trước nay chưa có người tổng hợp. Chỉ có ai yêu Truyện Kiều mới làm được điều gian nan đó.
… Đến Ngục trung nhật ký
Khó có thể kể hết các dịch giả đã dịch thành công tác phẩm Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh qua nhiều thời đại. Nhiều bài thơ đã được “đóng đinh” qua các thế hệ độc giả yêu thơ Bác. Thế nhưng, khi đến với tác phẩm nổi tiếng này, dịch giả Hoàng Bá Vy vẫn không dừng bước. Đi trên con đường mới, ông biết chắc chắn gặp không ít trở ngại nếu không nói là gian truân. Tuy nhiên, với vốn hiểu biết uyên thâm về chữ Hán và đặc biệt là tình cảm của ông đối với tập thơ của Bác, dịch giả Hoàng Bá Vy đã dám đặt chân tiếp tục trên hành trình các con chữ tinh thông và mới mẻ của mình. Ngay bài thơ đề từ Nhật ký trong tù của Bác, ông cũng phải thay một số từ ở câu: “Thân thể ở trong ngục/ Tinh thần ở ngoài ngục”. Tuy từ ngục và từ lao cùng nghĩa nhưng sắc thái từ “ngục” vẫn sát với văn bản và rõ ràng nếu đưa lên bàn cân thì nặng giá trị tố cáo hơn. Còn ở bài Khai quyển trước đây được dịch: “Ngâm thơ ta vốn không ham” thì ông dịch lại là “già này” mới sát với “lão phu” bản gốc (Già này chẳng chuộng ngâm thơ). Bài thơ Học đánh cờ trước đây được đưa vào chương trình giảng dạy ngữ văn mở đầu: “Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi”, nay được ông dịch lại sát nghĩa với nguyên bản “bế tọa” hơn: “Ngồi tù tự học đánh cờ”. Theo dịch giả, bế tọa là ngồi trong cảnh cấm đoán, tù túng khác xa với nhàn tọa là ngồi ung dung, thư thái. Trở về căn nguyên, cách giải thích đầy sức thuyết phục bạn đọc khó tính. Ở bài Chiều tối, dịch giả Hoàng Bá Vy có phát hiện mới trong câu: “Cô em xóm núi xay ngô tối” thì từ “cô em” – theo ông – không được hợp với văn phong của Hồ Chí Minh mà phải đề nguyên “thiếu nữ”: “Bản bên thiếu nữ xay ngô”. Đây là bài thơ quen thuộc trong chương trình THPT: “Nghỉ đêm chim mải về rừng/ Trời cao lơ lửng một vừng mây cô/ Bản bên thiếu nữ xay ngô/ Xay xong ngô tối lửa lò ánh lên” (so với bản cũ là: Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây lơ lửng giữa tầng không/ Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng). Rõ ràng cách dịch “nghỉ đêm” sát với “tầm túc thụ” hơn “tìm chốn ngủ”.
Dịch giả Hoàng Bá Vy
Nói như thế không có nghĩa dịch giả phủ nhận hết các cách dịch trước đây. Ở bài thơ Tự khuyên mình từng nằm trong sách giáo khoa theo bản dịch Nam Trân, dịch giả Hoàng Bá Vy không có sự thay đổi nào (Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân…). Ông nói, bản dịch từ bài thơ thể thất ngôn tứ tuyệt sang thể thơ lục bát truyền thống nhưng vẫn giữ được hồn cốt của nguyên tác. “Người dịch đã dùng thủ pháp chuyển ý, đảo câu làm cho bài thơ dịch uyển chuyển, nhịp nhàng. Đây là một bài dịch chuyển thể toàn bích”, dịch giả khen ngợi. Đó cũng là lời khen cho bản dịch bài thơ Trời hửng, Bốn tháng rồi của dịch giả Nam Trân từng quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh các cấp học phổ thông. Đối với bài Tảo giải, từ trước đến nay đều được sách giáo khoa dịch Giải đi sớm. Theo dịch giả Hoàng Bá Vy, dù sát nghĩa nhưng đầu đề bài này xin dịch là Bị giải đi lúc nửa đêm vừa phản ánh thời gian xảy ra sự việc vừa phản ánh nội dung tư tưởng của bài thơ.
Trong cuốn sách, trong phần Vĩ thanh, dịch giả còn giới thiệu thêm một số bài viết có tính chất tham khảo rất thiết thực như: Tìm hiểu nguyên tác Ngục trung nhật ký, chữ Bổn trong bài thơ Vấn thoại và Cảm nghĩ khi đọc bài Tảo giải của Chủ tịch Hồ Chí Minh… “Gặp lại bản dịch mới Ngục trung nhật ký của dịch giả Hoàng Bá Vy, tôi thoáng thấy bóng dáng một ông Đồ xứ Nghệ ngày xưa tâm huyết, bộc trực, cần mẫn, cẩn trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, TS.BS Hoàng Thạch đánh giá.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)