Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vị thế người thầy trong giáo dục hiện đại

Tạp Chí Giáo Dục

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” là khẩu hiệu mỗi khi thầy cô bước vào lớp học. Ở đó thầy cô như bước vào một thế giới riêng, trở thành “chúa tể của những viên phấn”, là những phù thủy sân khấu, là đạo diễn tài ba, và là bộ bách khoa toàn thư uyên bác…


Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) trải nghiệm làm giáo viên trong hoạt động “Một ngày làm giáo viên”

Để đạt hiệu quả giảng dạy, thầy cô cần truyền năng lượng tích cực đến học sinh, chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực, như việc chúng ta vẫn được khuyến cáo hãy thường xuyên vận động cơ thể để đẩy lùi cholesterol xấu, đốt cháy năng lượng mỡ thừa. Thầy cô hãy chăm sóc tình yêu nghề như chăm sóc cho sức khỏe bản thân. Hãy bỏ lại những cảm xúc tiêu cực và thay vào đó là tràng cười của học sinh.

Vị thế người thầy trong giáo dục hiện nay

Đến với cuộc đời phải có cha, có mẹ. Đến được tới ước mơ thì cần có người thầy dẫn đường chỉ lối. Vai trò và vị thế người thầy vẫn mãi được tôn vinh. Người thầy đầu tiên là cha mẹ, là người chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, từng lời ăn tiếng nói, sống lễ phép, biết kính trên nhường dưới. Rồi khi bước vào những năm tháng cắp sách tới trường, người thầy nhẹ nhàng cầm tay em viết lên những nét chữ đầu đời. Và cứ thế, mỗi ngày em lớn lên, được học bao điều mới mẻ. Thầy cô là người truyền cảm hứng học tập, hết lòng yêu thương dạy dỗ cho em thêm nghị lực, giúp em tìm được giá trị bản thân và sống có ích. Thầy cô được xem như cha mẹ thứ hai của em. Và khi bước ra trường đời, người thầy là những người ơn, người có thâm niên trong nghề để chỉ dẫn kinh nghiệm, chia sẻ bí quyết thành công. Nếu trong cuộc đời chúng ta gặp được cả 3 vị thầy này thì thật là điều may mắn. Xã hội phát triển từng ngày. Nghề dạy học hiện giờ cũng đã khác xưa. Những kiến thức thầy cô dạy ở trường đều có thể tra cứu dễ dàng, nhanh chóng bằng các phương tiện công nghệ. Các bài giảng được thiết kế đẹp mắt, chỉn chu, được trình bày hấp dẫn trên các kênh dạy học của những thầy cô nổi tiếng. Phải chăng vì thế mà vai trò của giáo viên “nhạt nhòa” trong mắt học sinh?

Ngày xưa vị thế người thầy là “độc tôn”, mọi hành vi cử chỉ của người thầy là “khuôn vàng thước ngọc”. Thế nhưng, người thầy làm sao có thể cập nhật hết kiến thức theo kịp thời đại để chuyển giao đến học sinh. Những gì người thầy đem đến chỉ là phương pháp học tập, là vạch ra con đường để người học sinh tìm về đến đích theo các bảng chỉ đường. Phương pháp dạy học hiện đại là phương pháp dạy cho học sinh chủ động trong suy nghĩ, tư duy và hành động. Theo quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm thì hoạt động của thầy và trò tương ứng như sau: Thứ nhất, người học khai phá tri thức, tự nghiên cứu. Thầy chỉ hướng dẫn và cung cấp thông tin. Thứ hai, người học tự trả lời các thắc mắc do chính mình đặt ra, tự kiểm tra mình. Thầy là trọng tài. Thứ ba, người học tự hành động, tự kiểm tra, tự điều chỉnh. Thầy làm cố vấn.

Tự học, tự nghiên cứu mới là đỉnh cao của dạy học. Nhưng để có thể vận hành được quy trình này thì người thầy phải quy hoạch được cơ sở hạ tầng, xây dựng “hệ sinh thái” để ở đó mỗi học sinh có thể tìm được cách thức phát triển phù hợp.

“Thầy ra thầy, trò ra trò”, một khoảng cách cần thiết

Ai cũng thích, cũng muốn “con ngoan, trò giỏi”. Nhưng nếu con chưa ngoan, trò chưa giỏi thì mong thầy cô hãy kiên nhẫn và bao dung với học sinh. Giữa thầy và trò phải luôn có sự “Tôn sư trọng đạo”. Nếu mối quan hệ thầy trò bị sứt mẻ dẫn đến mâu thuẫn, nếu lỡ học sinh đi quá giới hạn thì người thầy nên lùi lại để vẫn giữ được khoảng cách cần thiết. Lùi lại không phải hèn nhát mà là để bảo vệ tất cả. Và dù học sinh đó chưa ngoan hay có thế nào chăng nữa thì thầy cô cũng đừng bỏ rơi, không quan tâm em ấy. Đó là những hoàn cảnh đáng thương hơn là đáng trách. Người thầy không nên xuề xòa, dễ dãi, nhưng cũng đừng quá khắt khe để giữa thầy và trò xa cách. Để lắng nghe, để hiểu được tâm tư của học sinh thì có khi thầy cô phải làm “bạn” với các em. “Bạn” ở đây phải được hiểu là người bạn tốt, không chiều theo những sai trái, nhưng luôn bên cạnh để đồng cảm và chia sẻ những lời góp ý chân thành.

Người thầy hay người học mới là trung tâm?

Có một câu danh ngôn nổi tiếng: “Một vị bác sĩ tồi có thể sẽ giết chết một vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể sẽ giết chết một vài đạo quân, nhưng một người thầy giáo tồi chắc chắn sẽ giết chết nhiều thế hệ”. Nhưng câu nói này chỉ nên xem là câu nói ẩn dụ để nhắc nhở về trọng trách người thầy. Xin đừng thần thánh hóa người thầy, “trăm sự nhờ thầy” nhưng khi có việc gì thì lại “trăm sự đổ đầu thầy”. Người thầy có được phép “toàn quyền” để dạy dỗ học sinh hay không? Người thầy có phải quyết định “toàn bộ” kết quả học tập, cũng như nhân cách của học sinh không? Xin trả lời là không. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” không còn đúng, là hành vi nghiêm cấm trong giáo dục. Luật Giáo dục đã quy định giáo viên không được quyền đánh học sinh dưới bất cứ hình thức nào. Không được xúc phạm đến thân thể và nhân phẩm của học sinh. Điều này để bảo vệ người thầy và người học, tránh xảy ra những xung đột quá mức, gây ra những tác động tâm lý, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần của học sinh. Thầy cô nôn nóng để học sinh tiến bộ hơn là điều dễ hiểu nhưng cần phải tiết chế. Tri thức là món quà thầy cô tặng cho, nhưng đón nhận thế nào là sự chọn lựa của học sinh. Thầy cô hãy cứ yêu nghề, làm tròn bổn phận trách nhiệm trong công việc, cho đi những điều tốt đẹp, làm những gì tốt nhất có thể cho học sinh. Chính các em là người cảm nhận rõ nhất điều này. Thầy cô cũng không phải là người nhận “toàn bộ” trách nhiệm nếu học sinh “hư hỏng”. Tác động của người thầy với học sinh là rất lớn, nhưng không phải là tất cả. Ảnh hưởng của người thầy chỉ là một phần trong rất nhiều tác động xung quanh. Giới trẻ ngày càng tương tác nhiều với chiếc smartphone. Các em bắt chước những câu nói của các thần tượng âm nhạc và biến nó trở thành trend trên các nền tảng mạng xã hội. Như trường hợp câu nói “Ơ mây zing, gút chóp em” trở thành câu nói cửa miệng của giới trẻ, khi mạng xã hội chế lại câu nói của rapper Binz “Amazing, good job em!” (Tạm dịch: Thật tuyệt vời, làm tốt lắm em!). Công nghệ là sự phát triển và tiến bộ của xã hội nhưng kèm theo đó là sự mất kiểm soát dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. Do vậy, người thầy trong thời đại 4.0 cần thận trọng hơn nữa, bởi thông tin đi nhanh, đi xa chỉ bằng một cú click chuột.

Tôn trọng người học chính là phương châm của giáo dục ngày nay. Bởi vì mỗi em đều có một sở trường, sở thích riêng, mỗi em đều có thế mạnh ở môn học này nhưng lại kém ở môn học khác. Các em có thể giỏi nghệ thuật, giỏi thể thao, hoặc xuất sắc trong một số lĩnh vực khác nằm ngoài khung chương trình dạy học của nhà trường. Chúng ta hãy tôn trọng sự khác biệt và chỉ cho người học tìm ra cách nâng cao giá trị bản thân tốt hơn. Chúng ta không cổ xúy cho hành vi học sinh vô lễ, coi thường thầy cô, không đề cao chủ nghĩa cá nhân, nhưng khi thầy cô nhìn nhận đúng năng lực học sinh, ghi nhận sự tiến bộ của các em thì sự giáo dục mới thật ý nghĩa. Ngọc quý thì cần được mài giũa, ngựa hay cần được thuần phục.

Lâm Vũ Công Chính

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)