Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hoài niệm về một thuở “tôn sư trọng đạo”

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 60 năm trôi qua, kể từ năm 1962, tôi vào học lớp “Vỡ lòng”, lớp học là góc kho để trống của hợp tác xã. Những đứa trẻ vùng quê nông thôn, lần đầu đến lớp học cứ lóng ngóng, không biết nói chuyện với ai, chỉ ngồi vào góc bàn và nhìn ra sân kho phơi ngô, khoai, lạc…


Thế hệ học sinh niên khóa 1965-1968 Trường Cấp 3 Anh Sơn (Nghệ An) họp mặt chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 (ảnh minh họa)

Thầy Vinh đến với nụ cười hiền từ. Thầy giáo làng trong bộ quần áo nâu như chúng tôi. Thầy ân cần chỉ bảo chúng tôi từng chút một, làm quen với lớp; cùng hát, cùng vui chơi với nhau. Bài học là bảng chữ cái, từ từ ghép vần thành chữ, thành câu, thành bài. Bài học là những bài thơ có vần điệu, dễ nhớ: “Có dây bìm bìm/ Leo trên bờ giậu/ Bướm vàng đến đậu/ Hoa tím rung rinh” hoặc “Bùi như lạc/ Đặc như bí/ Đỏ như gấc/ Trắng như bông”. Không những về chuyện học, thầy còn chỉ cho chúng tôi vệ sinh trong ăn uống hàng ngày. Phải “Ăn chín, uống sôi” mới hợp vệ sinh. Đứa nào tóc dài chưa kịp cắt, hôm sau thầy mang kéo đến cắt ngắn gọn lại. Các bạn nữ phải biết chải tóc gọn gàng, suôn sẻ… Hè đến, chúng tôi đều khóc vì phải lên lớp 1, phải xa thầy và không được thầy dạy dỗ nữa! Cảm động nhất là thầy tặng tôi tấm ảnh Bác Hồ đang nói chuyện với nhân dân Nghệ An nhân dịp Bác về thăm quê 1957. Tấm ảnh quý vô cùng vì thuở ấy rất hiếm ảnh như vậy, dù chỉ là ảnh đen trắng. Rồi chúng tôi tiếp tục học hết cấp 1 (ở miền Bắc bấy giờ cấp 1 từ lớp 1 đến lớp 4. Học hết lớp 4 phải qua một kỳ thi để vào cấp 2, từ lớp 5 đến lớp 7; hết lớp 7 thi chuyển cấp vào cấp 3, từ lớp 8 đến lớp 10. Đặc biệt, bạn nào thi tốt nghiệp cấp 2 đạt loại giỏi thì được tuyển thẳng vào cấp 3). Chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của Mỹ tuy gây ra nhiều khó khăn, mất mát nhưng không ngăn nổi chuyện học tập, rèn luyện của lớp trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Trong bom rơi đạn nổ, trong gian khổ, thiếu thốn nhưng tình nghĩa thầy trò không bao giờ thiếu! Có giai đoạn thầy cô ở trong nhà dân: cùng ăn, cùng làm với dân. Tưởng chừng thầy cô quen việc giảng dạy nhưng ngược lại, công việc đồng áng, làm cỏ, gánh nước, bửa củi… cũng không kém gì người thôn quê. Bởi thầy cô cũng xuất thân từ gia đình nông dân lao động, quen công việc đồng quê thời nhỏ.

Những ngày lễ chào mừng các nhà giáo thuở ấy thật đơn sơ nhưng với tôi, rất thiêng liêng và ấm áp tình nghĩa thầy trò. Quà tặng thầy cô là các món quê “cây nhà lá vườn” dân dã mà thơm thảo những tấm lòng. Đó là những nải chuối tiêu trứng cuốc thơm lừng; là những bắp ngô non đang ngậm sữa; là những trái cam bù (giống cam quý) chín thơm màu vàng sẫm đỏ… Trên tất cả là tấm lòng của người nông dân; tấm lòng chân thực của trò nhà quê tặng thầy cô mà luôn vô tư, hồn nhiên như cây cỏ! Bữa cơm tập thể của thầy cô trong ngày lễ nhà giáo có thêm những bắp ngô luộc thơm lừng; những nải chuối tiêu, chuối ngự vàng ươm… Sau bữa cơm là ấm nước chè Gay, vùng chè nổi tiếng Nghệ An, lá hơi vàng, giòn, vừa chát lại vừa thơm vị đặc trưng không nơi nào có được. Vùng quê trung du khô cằn sỏi đá nhưng tình người vẫn mát ngọt như dòng nước sông Lam. Chính chất đất sỏi đá mà tạo cho trái mít, củ khoai, hạt đậu…, đến cả con gà nuôi luôn có một hương vị đặc biệt: trái cây thì ngọt, đậu, lạc thì bùi; thịt gà, thịt lợn thì thơm hương vị đặc trưng. “Tôn sư trọng đạo” bằng cả tấm lòng chân thực, vô tư là nét đẹp của nhân dân, của học trò miền quê một thuở.

Sôi nổi, náo nức nhất là khi đến ngày lễ nhà giáo thời điểm vào học cấp 3, lứa tuổi chúng tôi chừng 16, 17. Toàn trường phát động đợt thi đua học tốt, rèn luyện tốt chào mừng. Hoạt động của Đoàn mạnh và hiệu quả. Khẩu hiệu “Sạch như bệnh viện, đẹp như công viên” được dán trong từng lớp để nhắc nhở. Mỗi người đều tự giác trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Từ nhà vệ sinh đến lớp học, sân trường; khuôn viên trường luôn có những sọt rác đan bằng tre. Cuối tuần, lớp trực nhật mang ra bãi đất trống đốt. Tro được ủ làm phân bón vườn rau tăng gia của mỗi lớp. Bên cạnh đó, vui nhất là thi đua viết báo tường chào mừng ngày lễ. Cả trường sẽ có một tờ báo tường lớn, treo trước bảng thư viện để mọi người cùng xem. Thầy Phạm Xuân Công (dạy môn văn) có hoa tay nên vẽ rất đẹp và viết chữ cũng rất đẹp được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ trang trí báo. Các lớp cử những bạn nào viết chữ đẹp, viết lại những bài thơ, bài văn đã được duyệt để dán vào tờ báo. Công việc tỉ mỉ này chuẩn bị trước cả tháng và hoàn thành tờ báo đúng ngày 20-11… Những cuộc thi đua thiết thực, cụ thể chào mừng ngày nhà giáo mang lại hiệu quả thiết thực trong học tập, rèn luyện, giữ gìn vệ sinh chung. Nghĩa tình thầy – trò dù trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng không thể phai mờ trong tâm trí thế hệ chúng tôi. Thương nhớ làm sao những thầy cô giáo tài hoa một thời, sống giản dị, thanh bần nay có thầy cô đã rời xa cõi tạm. Những thầy cô còn khỏe mạnh, sống trên mọi miền đất nước, dù xa xôi nhưng luôn gần gũi tấm lòng. Những dịp công tác về quê, mọi người có điều kiện là dành chút thời gian vào thăm thầy cô với tấm lòng trân trọng và nỗi nhớ niềm thương vô bờ bến. Chính phong thái ung dung, chững chạc, tự tin cùng với đức tính hiền lành, hết lòng vì học sinh của thầy cô thuở ấy là những tấm gương mẫu mực đã thôi thúc tôi thi vào Khoa Sư phạm, ngành văn Trường ĐH Cần Thơ khi rời quân ngũ.

Bước sang thời kỳ mở cửa, Ngày Nhà giáo Việt Nam càng có điều kiện lan tỏa những tấm lòng tri ân của các thế hệ học trò. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” không bao giờ mất đi mà vẫn luôn được giữ gìn, phát huy trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới. Khẩu hiệu “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã khắc họa nên hình ảnh người thầy trong thời mở cửa. Đó là tấm gương về đạo đức nhà giáo, hết lòng yêu nghề mến trẻ; dạy học trò bằng cả tâm huyết người thầy. Ngày 20-11 hàng năm, sân trường tràn ngập những bó hoa tươi thắm kèm theo những tấm thiệp chúc mừng tặng thầy cô nhân ngày nhà giáo. Thật tự hào, xúc động khi được các em tặng những bó hoa tươi thắm, cùng chụp hình kỷ niệm. Trong không gian ấy, trong tiếng nhạc rộn ràng ấy, tôi đã nhiều lần rưng rưng nước mắt. Nghề giáo đẹp quá! Nghề giáo giàu tấm lòng, giàu yêu thương, giàu chia sẻ. Nhưng dường như do tác động quá mạnh của kinh tế thị trường, Ngày Nhà giáo Việt Nam những năm gần đây đã có chiều hướng bị “thương mại hóa”. Bây giờ phụ huynh, học sinh không còn khái niệm về những tấm thiệp chúc mừng ngày 20-11; không còn khái niệm những bó hoa tươi mà thay vào đó là những chiếc phong bì nhỏ gọn hoặc những món quà đắt tiền. Theo tôi không giản đơn đâu, vì không ai tự dưng cho không quà bao giờ. Hơn nữa, từ xưa đến nay, “đồng tiền luôn đi liền điều kiện”, một điểm số cao, một học bạ đẹp… đang chờ phía trước. Lúc đó, “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?”. Tiếc thay, nét đẹp, nét thanh cao, nét thiêng liêng của ngày nhà giáo bây giờ “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” khó mà trở lại như ngày xưa. Nhưng trong tôi, Ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị tôn vinh nghề dạy học cao quý! Vẫn còn đó vọng vang bài hát về nghề giáo quang vinh: “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/ Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/ Có những bài ca nghe rạo rực lòng người/ Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em người giáo viên nhân dân” (Bài ca người giáo viên nhân dân – Hoàng Vân).

Lê Đức Đồng

Bình luận (0)