Hội nhậpThế giới 24h

Thế giới ứng phó bão lạm phát

Tạp Chí Giáo Dục

Ngân hàng trung ương của nhiều nước phát triển đang tăng lãi suất để chống lạm phát và các nền kinh tế mới nổi cũng có động thái tương tự để bảo vệ đồng nội tệ.

Theo thống kê được trang Nikkei đăng tải ngày 19-6, tổng số lần tăng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2022 là 80 – con số cao kỷ lục.

Trong số này, các nước phát triển tăng lãi suất 20 lần, cao nhất kể từ mức 28 lần trong nửa đầu năm 2006. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần tăng lãi suất vào tháng 3 và 6. Ngân hàng Trung ương Anh cũng quyết định tăng lãi suất tại tất cả cuộc họp từ đầu năm đến nay.

Các nền kinh tế mới nổi tiến hành tổng cộng 60 lần tăng lãi suất. Đáng chú ý, Malaysia vào tháng 5-2022 có động thái này lần đầu tiên sau 4 năm 4 tháng do đồng ringgit giảm giá so với đồng USD. Mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương Philippines ngày 23-6 tăng lãi suất lên 2,5% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát gia tăng.

Thế giới ứng phó bão lạm phát - Ảnh 1.

Công nhân vác bao lúa mì tại một nhà máy ngũ cốc ở ngoại ô TP Ahmedabad – Ấn Độ hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

Trong nỗ lực khác để đối phó tình trạng giá cả leo thang, chính phủ Singapore ngày 21-6 công bố gói hỗ trợ trị giá 1,08 tỉ USD để giúp các gia đình có thu nhập thấp và nhóm đối tượng dễ tổn thương.

Nối gót Singapore, chính phủ Malaysia ngày 22-6 công bố kế hoạch hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm giảm tác động của lạm phát đối với các nhóm dễ tổn thương nhất. Cũng với mục đích tương tự, chính phủ Áo hồi tuần trước cũng đã công bố gói hỗ trợ trị giá 29,3 tỉ USD.

Một số nước khác còn tích trữ tài nguyên để bảo đảm an ninh lương thực trước tác động của xung đột Nga – Ukraine và lạm phát leo thang. Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, quyết định dự trữ nguồn cung lúa mì và giảm xuất khẩu đường.

Trong khi đó, Indonesia từng có bước đi cấm xuất khẩu dầu cọ và Malaysia gần đây cấm xuất khẩu thịt gà. Ông Prachi Agarwal, nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu ODI (Anh), nhận định với trang Telegraph rằng xu hướng tích trữ tài nguyên sẽ tiếp diễn và có thể gây ra hiệu ứng domino. 

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)