Vỉa hè biến thành “sân khấu” cho các diễn viên xiếc nhí múa lửa. Ảnh: M.H
|
Hiện nay, vỉa hè trên rất nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị chiếm dụng làm nơi buôn bán. Tất tần tật các quán nhậu, trà chanh, quần áo… đều có thể bày bán tại vỉa hè gây cản trở cho người đi bộ lẫn các phương tiện giao thông khác.
Cuộc “xâm lấn” dưới ánh đèn đường
Khoảng 4 giờ chiều là các hàng quán, các xe đẩy quần áo, giày dép túi xách… rậm rịch được trưng ra ngoài vỉa hè. Cuộc “xâm lấn” vỉa hè càng ồ ạt hơn khi ánh đèn đường bắt đầu bật sáng.
Các tuyến đường Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Trãi vốn được mệnh danh là “con đường thời trang” được ăn theo bằng những xe quần áo giày dép, túi xách. Khoảng 6 giờ là các sạp, quầy quần áo, túi xách giày dép được bày bán tràn lan trên lề đường. Khách có nhu cầu cứ tấp vào xem ngay sát mặt đường. Người xem hàng, người chào mời khiến cho vỉa hè như một cái chợ. Nhiều tai nạn giao thông cũng từ đó mà xảy ra liên tục.
Các quán nhậu bình dân, quán ăn vặt, phở chen lấn kín cả vỉa hè. Các quán nhậu trên đường Thành Thái, Q.10 ngày càng “bành trướng”, trước đây chỉ có bàn nhựa, ghế nhựa giờ thì bàn gỗ ghế nệm được trải khăn sạch sẽ và có cả mái nhà di động để che mưa nên ngày càng thu hút khách lui tới khá đông. Đường Tô Hiến Thành cũng tương tự như vậy, các quán ốc, lẩu… mới mọc lên vài tháng trở lại đây nhưng rất hút khách. Bên này đường làm quán nhậu thì đối diện bên kia đường làm nơi giữ xe. Dù không có hàng rào chắn nhưng “lãnh địa” của mỗi quán được phân định rõ ràng. Anh Tuấn – nhân viên của quán nhậu trên đường Tô Hiến Thành bật mí: “Không cần phải căng dây. Mạnh được yếu thua. Quán nào nhỏ không cạnh tranh được thì tự động bán lại “mặt bằng” chuyển đi nơi khác. Còn hai quán mạnh như nhau thì tự hiểu “luật hợp tác” mà làm. Luật ngầm thôi”. Nhiều hàng quán cử hẳn người ra đứng giơ tay chặn đường, cản xe, chèo kéo khách miễn sao khách dừng xe và vào quán mình, gây nên những cảnh tượng giao thông hỗn loạn.
Vỉa hè biến thành “sân khấu”
Vỉa hè bị túi xách thời trang “bao vây”.. Ảnh: P.Quyên |
Thời gian gần đây, trà chanh “chém gió” cũng “vào cuộc” xâm chiếm vỉa hè. Loại này không cầu kì chỉ cần bàn, ghế đơn sơ đặt ở vỉa hè là có thể thu hút khách. Hết bàn thì xếp bàn thêm, cứ vào “quán” sẽ có chỗ ngồi hết, đảm bảo “thượng đế” không phải phật lòng mà bỏ đi.
Khách đông cũng là chỗ kiếm ăn ngon của các loại hình nghệ thuật đường phố như nhảy nhót, hát hò. Vỉa hè biến thành “sân khấu” quằn quại quay cuồng của mấy xe tạp kĩ bán kẹo kéo, xiếc… Trên đường Trần Văn Đang, Q.3 các “vũ công” chẳng ngán gì xe cộ, từ vỉa hè chạy ra giữa đường nhảy “bốc”. Được sự cổ vũ của khách trong quán nhậu nên họ càng lắc lư điên cuồng. Đang nhảy sung, vũ công chẳng quan tâm đến xe lớn, mặc kệ các bác tài bấm còi inh ỏi, đã từng xảy ra tai nạn giao thông khiến vũ công bị thương vì biểu diễn kiểu này.
Vô hình trung, vỉa hè không còn là nơi đi bộ mà trở thành hàng quán di động. Khi có đội trật tự đi kiểm tra thì những hàng quán này lại nháo nhào thu dọn từ vỉa hè bên này chạy qua vỉa hè bên kia gây nên tình trạng hỗn loạn.
Vỉa hè dành riêng cho người đi bộ bây giờ phải “đội” cả bia, thức ăn và cả thời trang. Một nghịch lý đang tồn tại: Vỉa hè vốn dĩ dành cho người đi bộ lại bị chiếm làm nơi buôn bán, còn người đi bộ thì… xuống lòng đường mà đi, vô tình trở thành người vi phạm giao thông…
Phạm Quyên
Bình luận (0)