Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ứng dụng GIS cho đô thị thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 1 đến 5-12, tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế GIS toàn quốc 2020 với chủ đề “Ứng dụng GIS cho đô thị thông minh hướng tới phát triển bền vững”.


Nhà khoa học đưa ra giải pháp ứng dụng GIS cho đô thị thông minh hướng đến phát triển bền vững tại hội thảo

Đây là hội thảo thường niên được tổ chức từ năm 2009, là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi và chia sẻ các kết quả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng GIS, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS), công nghệ viễn thám (RS) trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và đô thị. Từ đó đề xuất các hướng nghiên cứu, hợp tác và phát triển các công nghệ này trong thời gian tới.

Hội thảo GIS toàn quốc 2020 tập trung vào việc nâng cao năng lực ứng dụng GIS, GNSS và RS trong công tác quản lý Nhà nước, hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, góp phần phát triển bền vững tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhấn mạnh: TP.HCM đã và đang không ngừng đẩy mạnh hoạt động phát triển khoa học ứng dụng, tối ưu hóa nguồn lực để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển KT-XH bền vững, hướng tới đô thị thông minh. Trước xu thế đó, trường nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đã đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, xu hướng ứng dụng GIS, RS kết hợp với điện toán đám mây (Cloud computing), khai phá dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoTs), trí tuệ nhân tạo (AI)… để tạo những ứng dụng tiên tiến trong quản lý hạ tầng đô thị, chăm sóc sửc khỏe và quản lý dịch bệnh. Đồng thời hỗ trợ trong quy hoạch và phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.


Công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực GIS được trưng bày tại triển lãm – hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện GIS toàn quốc năm 2020

“GIS cho đô thị thông minh hướng tới phát triển bền vững” là nơi hội tụ ý tưởng, công trình nghiên cứu triển vọng đóng góp vào lời giải bài toán đô thị thông minh – bền vững”, PGS.TS Nguyễn Danh Thảo kỳ vọng.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đều cho rằng, hiện các địa phương đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông, từng bước ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý Nhà nước và dịch vụ Chính phủ điện tử. Các địa phương cũng đang mở rộng một số hệ thống Web GIS ứng dụng IoTs kết hợp với thiết bị thông minh  nhằm hướng đến ứng dụng GIS phục vụ quản lý đô thị thông minh. Trong đó, nhà khoa học, doanh nghiệp đang tập trung hoàn thiện các giải pháp di chuyển thông minh; Môi trường thông minh trong giám sát hiện trạng, dự báo ô nhiễm, suy giảm tài nguyên…; Kinh tế thông minh để góp phần phát triển kinh tế số trong mô hình kinh doanh mới hiện nay…

Tuy nhiên, để hướng tới phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trên thế giới; biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở… đòi hỏi cần có nhiều giải pháp hơn nữa trong việc hỗ trợ tạo chất lượng sống thông minh; Tạo đột phá trong khai thác Big Data và ứng dụng AI, hình thành những giải pháp trong quản lý thông minh trên cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian của từng đô thị; Phân tích, đánh giá theo từng kịch bản của biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng sống và hình thành xã hội thông minh.

Các nhà khoa học cũng lưu ý, ứng dụng GIS cho đô thị thông minh hướng đến phát triển bền vững phải đảm bảo ba trục: kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, trục môi trường phải thể hiện là một đô thị sạch, đáng sống và thích ứng với biến đổi khí hậu.


PGS.TS Võ Lê Phú  Trưởng khoa Tài nguyên và môi trường, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)

PGS.TS Võ Lê Phú – Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá cao ứng dụng GIS và RS trong quản lý môi trường, biến đổi khí hậu và trong đô thị thông minh. TP.HCM đang nỗ lực xây dựng đô thị phía Đông là đô thị thông minh, việc ứng dụng GIS kết hợp với các công nghệ khác là một giải pháp có tính khả thi cao.

Tại đây, đại diện các doanh nghiệp công nghệ mới cũng đã đưa ra những giải pháp cho đô thị thông minh; Ứng dụng GIS trong quản lý Nhà nước; Quản lý tài nguyên môi trường và phát triển bền vững; Ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hạ tầng đô thị…

T.Anh

Bình luận (0)