Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đậm đà tình quê, tình mẹ trong “Khúc ru trầm”

Tạp Chí Giáo Dục

"Em có về quê tôi em nhớ/ Cơn mưa chiều quê mẹ Bảo An…". Cơn mưa bất chợt không làm cho sân khấu Nhà Văn hóa thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) bớt "nóng" bởi ca khúc "Quê tôi" do nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha phổ từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Ngọc Hạnh. Đây là tiết mục mở màn đêm ca nhạc "Khúc ru trầm" mới đây. Giọng hát "đốt lửa" của ca sĩ – nhạc sĩ Đình Thậm cùng phần phụ họa của nhóm múa bắt đầu cho đêm nhạc thật ấn tượng, khó quên.

"Khúc ru trầm, 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh" là một tập sách đã được tác giả nung nấu hơn một năm nay. Đây là tác phẩm mà theo nhiều người nhận xét là một kỷ lục về ca khúc phổ thơ, xưa nay hiếm thấy. Tập sách là cuộc hội ngộ đầy duyên nợ của gần 50 nhạc sĩ ở mọi miền đất nước và hải ngoại, neo đậu trong lòng độc giả bởi sự giao thoa kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc.

Điều mà Nguyễn Ngọc Hạnh nung nấu từ lâu nay là "các nhạc sĩ đã chắp cánh cho thơ mình bay cao, bay xa…, tại sao mình lại không mang thơ về một nơi thật gần, đó là chính nơi quê mẹ của mình làng Bảo An, Gò Nổi, Điện Bàn?"; mặt khác nơi đây cũng là mảnh đất gắn với những ngày tháng anh dạy học rồi công tác tại Phòng Văn hóa những năm 80, 90 của thế kỷ trước đầy khó khăn, vất vả. Từ ý tưởng đó, Nguyễn Ngọc Hạnh đã xây dựng một kịch bản thật hoàn hảo nhằm giới thiệu 14 ca khúc trong đêm nhạc "Khúc ru trầm".

Đậm đà tình quê, tình mẹ trong Khúc ru trầm - Ảnh 1.

Khán giả, bạn bè tặng hoa chúc mừng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (bìa trái)

Ấn tượng nhất đối với khán giả là chùm ca khúc đậm đà tình quê, tình mẹ. Lắng nghe giọng hát của ca sĩ Thanh Yên, người nghe nhận ra ngay miền đất Điện Bàn trù phú nghĩa tình với "dâu xanh tốt như tình xanh trái" ("Quê tôi" – Nguyễn Thụy Kha) cùng người dân quê tần tảo: "Ai hiểu được dưới vành nón lá, mặt trời mọc giữa ruộng sâu" ("Nỗi lòng nông dân" – Huỳnh Ngọc Hải). Hình ảnh người mẹ với đôi quang gánh giữa chợ quê gợi lên bao xúc cảm khi tiếng ca nồng ấm của Thanh Trà cất lên: "Cây đòn gánh cong đời mẹ/ Chiếc nón cong vành dâu bể/ Cho đời con được thẳng ngay/ Một mình ra chợ chiều nay/ Ngồi chỗ mẹ ngồi thuở ấy/ Mà sao đôi mắt cay cay" ("Gánh phố" – Nam An).

Hình ảnh đối lập giữa nét cong của chiếc đòn gánh, chiếc nón sắp bung vành với "đời con thẳng ngay" gợi nhiều liên tưởng, hàm chứa nhân cách của nhà thơ giữa cuộc đời này. Ý thơ nét nhạc đúc kết niềm tri ân và cả những suy ngẫm về đời, về mình. Mẹ hy sinh cả cuộc đời, gạn đục khơi trong để con "ngay thẳng" làm người, giữ cái Tâm không hề vẩn đục. Bóng dáng người mẹ luôn thấp thoáng đâu đây trong cái "ngõ hẹp" đầy ký ức của nhà thơ: "ngõ hẹp dần/ lối mòn cũng nhỏ dần/ mòn con đường làng/ mỗi ngày mẹ tôi ra sông giặt áo" ("Ngõ hẹp" – Võ Hoài Phúc).

Đậm đà tình quê, tình mẹ trong Khúc ru trầm - Ảnh 2.

Ca sĩ – nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm biểu diễn ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trong đêm nhạc "Khúc ru trầm". Ảnh do BTC cung cấp

Hình ảnh Mẹ của nhà thơ không hề xa lạ đối với chúng ta; là người mang đậm hồn quê, ở ngôi làng nhỏ bên dòng sông Vu Gia đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ. Có phải vì thế mà những vần thơ đầy cảm xúc, giàu sáng tạo đã ra đời trên bến sông này: "Bóng mẹ gầy/ lặn lội bờ sông/ Đêm giá lạnh/ ẵm bồng ru tiếng khóc/ Nỗi niềm trôi xuôi/ theo con đò dọc/ Trôi cả thời thiếu nữ mẹ tôi". ("Qua đò nhớ mẹ" – Nguyễn Ngọc Tiến).

Ca sĩ Thu Hương để lại nhiều thiện cảm trong lòng khán giả ở ca khúc này bởi giọng hát đậm đà chất dân ca cùng tà áo dài xanh thùy mị, hút hồn. Đêm nhạc lắng lại khi "Khúc ru trầm" do nhạc sĩ Huỳnh Văn Tấn phổ nhạc qua giọng hát của Trương Đình Đức vang lên. Một khúc ca về tình mẫu tử, về nỗi buồn không thể nào quên khi người mẹ đã mất đi đứa con gái đang thời xuân sắc…Vì yêu quê tha thiết, nên khi xa làng ra phố, thi sĩ không nguôi nhớ mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình: "đêm xa làng đong đầy nước mắt/ nhớ mẹ tôi/ nhớ cha tôi khuya sớm trên đồng" ("Đêm xa làng" – Đình Thậm).

Theo Thu Nguyên/NLĐO

 

Bình luận (0)