Ngày 4.8, Mỹ tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng – một động thái dự kiến sẽ cung cấp thêm kinh phí và công cụ để chống lại căn bệnh này.
Đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng ở Mỹ.
Mỹ hiện đứng đầu thế giới về số ca mắc đậu mùa khỉ, với 6.600 ca tính đến ngày 4.8. Hầu hết các ca đều là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó virus này ở cấp độ tiếp theo, và chúng tôi kêu gọi mọi người Mỹ hãy quan tâm nghiêm túc đến bệnh đậu mùa khỉ" – Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Becerra cho hay.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky nhấn mạnh, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép củng cố dữ liệu về số ca nhiễm đậu mùa khỉ để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Chính phủ Mỹ đang chịu áp lực về việc xử lý căn bệnh này. Đậu mùa khỉ bắt đầu lây lan ở Châu Âu trước khi tới Mỹ. Mỹ đang thiếu vaccine và phương pháp điều trị.
Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là "tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng được quốc tế quan tâm" – mức báo động cao nhất. Tuyên bố của WHO nhằm kích hoạt phản ứng quốc tế phối hợp và thu hút tài trợ để hợp tác về vaccine và phương pháp điều trị.
Tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở New York, Mỹ, ngày 15.7.2022.
Các chính phủ đang triển khai vaccine và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa cho bệnh đậu mùa khỉ.
Chính phủ Mỹ đã phân phối 600.000 liều vaccine Jynneos của Bavarian Nordic và 14.000 liều thuốc TPOXX của Siga Technologies, nhưng không tiết lộ bao nhiêu liều đã được sử dụng.
Giám đốc CDC Mỹ Walensky cho biết chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 1,6 triệu người có nguy cơ cao.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đang xem xét cung cấp thêm vaccine Jynneos, cho phép các bác sĩ rút 5 liều vaccine từ mỗi lọ thay vì 1 liều hiện tại bằng cách sử dụng một phương pháp tiêm dưới da khác.
Tổng thống Joe Biden trong tháng này đã bổ nhiệm hai quan chức liên bang để điều phối phản ứng của chính quyền đối với bệnh đậu mùa khỉ, sau khi các bang California, Illinois và New York tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Lần đầu tiên được xác định trên khỉ vào năm 1958, căn bệnh này có các triệu chứng nhẹ bao gồm sốt, đau nhức và tổn thương da. Theo WHO, người bệnh thường tự khỏi trong vòng hai đến bốn tuần. Đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc cơ thể gần gũi và hiếm khi gây tử vong.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)