Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm leo dải phân cách băng qua đường
|
Quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người đi bộ vi phạm an toàn giao thông (ATGT) đã được Chính phủ ban hành từ năm 2010 với mức xử phạt từ 40.000-120.000 đồng tùy trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, người dân cũng như đội ngũ sinh viên tại các thành phố, đô thị lớn vẫn ngang nhiên vi phạm nhưng hầu như không bị xử phạt.
Qua đường rất tùy tiện
Đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú) có Trường ĐH Công nghệ thực phẩm, hai bên đường nhiều hàng quán, những khu chợ tự phát lấn chiếm toàn bộ vỉa hè dành cho người đi bộ. Dọc tuyến đường, bên cạnh hàng rào phân cách là rất nhiều vạch kẻ đường. Tuy nhiên, người dân cũng như sinh viên thường trèo qua dải phân cách để sang đường thay vì tuân thủ theo đúng vạch kẻ đường, bất chấp dòng xe cộ đang ào ào đi tới. Nguyễn Anh Tuấn (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thực phẩm) cho biết chưa từng nghe nói về Luật Xử phạt hành chính đối với người đi bộ, dù biết rằng người đi bộ không nên trèo dải phân cách để qua đường vì sẽ rất nguy hiểm. “Nhưng vì trạm xe buýt ngay đối diện nên bọn mình thường trèo qua dải phân cách qua đường tới trạm xe buýt để cho gần hơn…” – Tuấn bảo.
Tương tự, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5), đường An Dương Vương (Q.5) nơi vốn quy tụ nhiều trường ĐH, THPT với lượng học sinh, sinh viên đông, việc sang đường của người đi bộ thường ngẫu hứng, tùy tiện. Hoặc là trèo qua dải phân cách, hoặc là đi đúng vạch kẻ đường nhưng lại thiếu quan sát dòng xe cộ.
Lý giải việc sang đường tùy tiện, bạn Trần Bình Minh (sinh viên Trường ĐH KHTN TP.HCM) cho rằng: “Sinh viên như mình muốn qua đường để đón xe buýt nhưng vì hàng rong vây lấy lòng đường, lượng xe cộ qua lại lại đông, mà xe buýt lại có tuyến nên chỉ còn có cách… liều để sang đường thôi”. Đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) nhỏ, nhiều hẻm, lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, những khu chợ và trạm xe buýt nằm rải rác hai bên đường. Vì thế, đây cũng là một trong những tuyến đường tồn tại tình trạng người đi bộ sang đường thường xuyên vi phạm Luật Giao thông: Không đi đúng làn, không qua đúng vạch…
Hiểm họa khôn lường
Những tai nạn giữa các phương tiện lưu thông với người đi bộ đã xảy ra, dù các khẩu hiệu tuyên truyền cho người đi bộ đi đúng làn đường và phần đường của mình có mặt ở khắp các tuyến phố. Thế nhưng, việc tai nạn cứ tai nạn, khẩu hiệu cứ khẩu hiệu còn người đi bộ cứ sang đường… tùy tiện. Một phần vì ý thức, phần nữa là do người dân không nắm bắt được đầy đủ các quy định cũng như mức khung hình thức xử phạt hành chính trong Luật Giao thông đối với người đi bộ. Và quan trọng nhất là do khung chế tài xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông còn chưa đủ mạnh, chưa đủ kiên quyết, triệt để để răn đe, nghiêm trị người vi phạm. Một CSGT đứng chốt tại tuyến đường Nguyễn Văn Cừ cho biết, phần lớn khi người đi bộ vi phạm như sang đường tùy tiện, không quan sát kỹ để đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông thì chỉ dừng ở mức nhắc nhở chứ chưa áp dụng xử phạt bất kỳ trường hợp nào. Thậm chí, dù có mặt lực lượng CSGT, người đi bộ vẫn cứ mặc nhiên tùy ý sang đường.
“Nhiều lúc đang chạy xe chỉ cần không chú ý một chút là có thể gây tai nạn ngay. Vì người đi bộ cứ thích thì sang đường, leo qua cả dải phân cách, chẳng cần biết phía bên kia đường, phía trước có gì. Đã có lần chạy trên đường Trường Chinh, chỉ vì phanh gấp xe để tránh một cô bé sang đường đi chợ mà tôi đã ngã xây xát hết cả người…” – anh Nguyễn Văn Phong (Q.10) chia sẻ.
Theo nghị định 34/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, điều 12 đã quy định: “1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người đi bộ có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không đi đúng phần đường quy định; Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. 2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Vượt qua dải phân cách; Đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. 3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc”.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia thì số vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ là khá cao, trung bình chiếm tới 15% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mỗi năm. Thế nhưng việc áp dụng những biện pháp, hình thức xử phạt đối với người đi bộ vi phạm vẫn chưa được thực sự chú trọng, khiến người đi bộ coi thường và lờn luật. |
Bình luận (0)